Tapchisaoviet - Cháu mới đi xét nghiệm thì biết bị nhiễm vi khuẩn HP. Hiện chưa thấy có triệu chứng nào của viêm dạ dày như ợ chua, đau dạ dày. Cháu rất sợ vi khuẩn sẽ phát triển và gây bệnh.
Cháu đang học lớp 11. Mọi người khuyên cháu chưa nên diệt vi khuẩn vì chưa có dấu hiệu bệnh lý lại còn bận đi học, trong khi việc diệt khuẩn HP tốn rất nhiều thời gian và mất sức. Năm sau cháu thi đại học rồi, cháu rất sợ sẽ bị đau dạ dày ảnh hưởng đến học tập và thi cử.
Kính mong quý báo và các chuyên gia giải thích cho cháu về tình trạng của mình, đồng thời chỉ cho cháu cách phòng tránh lây lan cho người thân. Làm sao để kiềm hãm sự phát triển của vi khuẩn, phòng tránh nó tiến sang giai đoạn bệnh lý. Xin hỏi cháu có nên trị dứt điểm vi khuẩn hay không? Cháu xin chân thành cảm ơn. (docgia).
Chào bạn,Trả lời:
Trước tiên, tôi xin chia sẻ một chút về khuẩn Helicobacter Pylori (HP) để bạn hiểu rõ hơn về loại vi khuẩn này.
Xoắn khuẩn Helicobacter Pylori được 2 nhà khoa học Australia là Robin Warren và Marshass tìm ra năm 1983. Vi khuẩn này lây qua đường ăn uống. Các nước nghèo, điều kiện vệ sinh kém có tỷ lệ nhiễm bệnh rất cao. Việt Nam có khoảng 60 đến 70% dân số nhiễm HP. Con số này ở các nước châu Âu, châu Mỹ chỉ khoảng 40 đến 50%.
Có từ 90 đến 95% trường hợp nhiễm HP gây viêm loét tá tràng. Khảo sát cũng cho thấy từ 70 đến 75% bệnh nhân bị viêm loét dạ dày có sự hiện diện của vi khuẩn HP. Năm 1994 WHO xếp HP vào nhóm I các tác nhân gây ung thư dạ dày.
Hiện nay có nhiều phương pháp xét nghiệm tìm vi khuẩn HP như:
Phương pháp nội soi trực tiếp gồm:
- Phương áp mô bệnh học.
- Test Ureasa.
- Phương pháp nuôi cấy.
- Phương pháp PCR.
Phương pháp không xâm nhập gồm:
- Xét nghiệm máu.
- Xét nhiệm nước bọt và nước tiểu.
- Xét nghiệm phân tìm kháng nguyên HP.
Như vậy có rất nhiều phương pháp được áp dụng để tìm sự hiện diện của HP. Trong đó có xét nhiệm máu như bạn đã hỏi. Phương pháp này giúp tìm kháng thể đặc hiệu chống lại kháng nguyên của HP do hệ miễn dịch của chúng ta sinh ra.
Người ta thấy rằng phương pháp xét nghiệm máu có độ nhạy và đặc hiệu cao. Tuy nhiên, kháng thể HP thường xuất hiện và tồn tại trong máu rất lâu, có thể từ 4 tháng đến 2 năm sau khi nhiễm HP. Dù điều trị diệt sạch HP trong dạ dày thì xét nghiệm máu vẫn còn dương tính. Như vậy việc bạn xét nhiệm máu phát hiện dương tính với HP và không có triệu chứng gì thì chưa đủ kết luận bị viêm loét dạ dày do HP gây ra nên không cần điều trị.
Hiện nay trên lâm sàng ứng dụng 2 phương pháp phổ biến, có giá trị chẩn đoán và theo dõi rất tốt đó là clotest HP qua nội soi dạ dày và test C13 qua hơi thở. Bộ kít HPSA dùng tìm kháng nguyên HP trong phân có độ nhạy và đặc hiệu cao, thường được dùng cho trẻ em, nhưng chưa áp dụng phổ biến ở Việt Nam. Trường hợp của bạn nên đến gặp bác sĩ chuyên khoa Tiêu hóa khám để được khám và tư vấn cách điều trị phù hợp.
Lưu ý: Cơ thể người nhiễm HP có tạo kháng thể nhưng không có khả năng phòng bệnh. Hiện nay chưa có văcxin phòng bệnh, do vậy để tránh nhiễm bệnh, mọi người cần giữ vệ sinh ăn uống, rửa tay trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh. Thực hiện ăn chín uống sôi, hạn chế ăn ngoài đường phố, hạn chế dùng chung muỗng, đũa, chén… Nếu trong nhà có người bị bệnh nên đến khám bác sĩ chuyên khoa và điều trị diệt vi khuẩn HP sớm.
Thân ái.
Bác sĩ Võ Văn Thu
Bệnh viện Đa khoa Tâm Trí Đà Nẵng