07:46 | 10/08/2016

Bản tình ca định mệnh

Tapchisaoviet - Mẹ tôi kể về chuyện tình đầu của mẹ. Một mối tình oan trái, tan thương! Để giờ đây- người phụ nữ tuổi ngoài 60 vẫn không thể xóa nhòa dĩ vãng.

Âm nhạc là phương thuốc nhiệm mầu làm cho con người ta có thể trải lòng mình với những giai điệu, lời ca. Bởi thế, những lúc buồn, lúc vui hoặc ngay cả khi đang bận bịu với công việc tôi vẫn thường mở nhạc để nghe. Một lần, tôi đang nghe những lời ca này: “Anh vuốt tóc em, anh vuốt tóc em, một lần cuối, một lần cuối cùng, rồi thôi…” Chợt mẹ tôi thốt lên: “ Một lần cuối ” của Hoàng Thi Thơ- bản tình ca định mệnh! Tôi ngạc nhiên hỏi: “ Sao lại là định mệnh hả mẹ? ” Thế là mẹ tôi bắt đầu kể về chuyện tình đầu của mẹ. Một mối tình oan trái, tan thương! Để giờ đây- người phụ nữ tuổi ngoài 60 vẫn không thể xóa nhòa dĩ vãng.

Năm ấy, chỉ mới là nữ sinh lớp 10- với biệt danh “ trái tim băng giá ”- mẹ là một thiếu nữ trang nghiêm, lạnh lùng đáng nể mà lại rất “đào hoa”. Các chàng trai khó có cơ hội bắt chuyện được với mẹ dầu chỉ một lần! Nếu may mắn được chuyện trò cùng mẹ, khi quay về phải nặng mối tơ vương!

Ngoài việc học, mẹ chỉ lo giúp ngoại trông nom buôn bán ở quán nhỏ trước nhà. Khách đến rồi đi, lẽ thường tình! Thế mà một ngày kia, sự xuất hiện của bốn vị khách nam trí thức cùng xóm đã gây chú ý cho mẹ: Mỗi ngày, họ thường ghé quán mua một gói Caraven, cùng hút với nhau khi uống cà phê sáng. Bỗng dưng ngày kia, họ thay nhau đến quán nhiều lần trong ngày, mỗi lần chỉ để mua một điếu thuốc???

Hè năm đó, một bữa nọ, có một người trong nhóm bốn vị khách ấy đến gặp mẹ, nói: “ T ơi, tối rảnh không? Mình đi Đào Viên* uống nước nha! ”. Mẹ lắc đầu: “ T không cho phép mình!”

- Tại sao?

- Vì T còn nhỏ, chưa đủ lớn.

- T lớn rồi mà!

- Không!

- Đành chờ thôi!

Lần khác, trong giờ tan trường, mẹ đang thả bộ về nhà thì nghe tiếng xôn xao của bốn chú gọi tên mình: “ T kìa, T ơi!...” vọng sang từ quán nước bên kia đường. Mẹ nhìn sang, nghiêm trang nhoẻn miệng cười xã giao rồi tiếp tục cất bước.

Đón mẹ tan học về không thành, các chú lại bày ra trò khác:Vài ngày sau, vừa đi học về đến trước cổng nhà, nhìn thấy bốn cành hoa giấy đỏ giắt hai bên trụ cổng, mẹ nghĩ thầm: “ Lũ trẻ nào nghịch thật! ” rồi đưa tay định lấy xuống vứt đi. Nào ngờ, tay mẹ vừa chạm vào cành hoa đầu tiên, có tiếng vỗ tay reo ở con hẻm đối diện vang lên khiến mẹ thẹn chín cả người. Chợt nhận ra một điều gì đó…

Đóa hoa đỏ thắm trên tay đã đánh dấu cho mối tình đầu của mẹ. Và, ba người rút lui, nhường đường để chủ nhân của đóa hoa mẹ đã cầm tiến bước. Chính là chú ấy, người trước đây đã có lần mời mẹ uống nước không thành!

Từng ngày, chú vẫn đến quán, vẫn là vị khách thuở nào ...Thời gian cứ thế nhẹ nhàng trôi… Có những điều dẫu chưa thốt nên lời, nhưng mẹ và chú vẫn cảm nhận được tình nhau qua ánh mắt, qua nụ cười và sự quan tâm dành cho nhau.

Đầu năm học 12, biết mẹ thích môn Triết học, chú âm thầm mang qua cuốn sách nghiên cứu triết học- hội tụ những triết gia nổi tiếng. Được một ngày, mẹ trả sách, chú ngạc nhiên: “ Sao không đọc?”.

Mẹ trả lời: “Mới tiết học đầu tiên mà cho người ta nghiên cứu những từ lạ hoắc, khô khan, không hiểu nổi!”

Chú cười: “ Sách này ế rồi! Cho mượn mà người ta còn không thèm! ”

Sau vài tiết học, mẹ mượn lại sách, và cố tình nói: “ Sách này không ế đâu! ” Hiểu ý của mẹ, chú cười: “ Cảm ơn nha!”

Nhẹ nhàng là thế! Cho mẹ biết nhớ nhung, biết trông chờ, biết trống vắng mỗi khi người chưa kịp đến... để rồi khi những cơn mưa vô tình kéo về- một kỷ niệm đẹp lại hiện rõ lên trong mẹ: Buổi trưa hôm ấy, mẹ đi học về gần đến nhà, trời bỗng chốc đổ mưa. Mẹ chạy nhanh vào trú dưới một mái hiên nhà, đang loay hoay rủ áo chợt nhìn thấy chú cũng vào trú mưa. Mẹ hỏi: “ Đi đâu về vậy?” - Chú hơi lúng túng! - Mẹ nhanh trí: “ Đừng nói là đang hát bài ngày xưa hoàng thị đó nha!”

Chú cười, nụ cười thật hiền hòa: “Hát lâu rồi! ”

- Trời ơi, có ngày hai cái chân người ta đá nhau mất.

- Có ai biết đâu mà đá chân?

- Thì hôm nay biết! …

- Nếu mà hai người cùng đi chung đường thì chân sẽ không đá đâu!

- Ơ hơ… Không dám đâu!

Rồi cả hai chỉ biết lặng im nhìn mưa dần tạnh. Mẹ bảo chú quay mặt đi hướng khác, không được nhìn theo mẹ ra về. Mẹ đi thật nhanh, hai chân cứ va vào nhau, cảm giác có người đang dõi nhìn theo. Cái cảm giác đó cứ theo đuổi mẹ suốt cả ngày để trào dâng trong lòng mẹ niềm hạnh phúc vô biên!

Vậy mà, ngày vui nào có được bao lâu. Ngày ngoại nhận cau trầu của người quen dạm hỏi mẹ, chú đến đứng bên rào, người ở ngoài- kẻ ở trong, họ nhìn nhau buồn không nói. Nghẹn ngào chú hỏi mẹ: “ Hôm nay người ta đến, có cần giúp gì không? ”. Mẹ chỉ lắc đầu. Chú lại hỏi: “ Có thương người đó không? ” Mẹ lại lắc đầu. Họ nhìn nhau trĩu nặng tâm tư- rồi chú lầm lũi ra về- mẹ đứng nhìn theo buồn muốn khóc! Suốt ngày hôm đó mẹ đã gọi tên chú thật nhiều- gọi ngập lòng- rồi bật ra thành tiếng nấc! Vậy là hết thật rồi sao? Tình ơi!

Nhưng mẹ đã âm thầm đấu tranh cho tình yêu của mình- với lí do mẹ phải học, phải đi làm khi ra trường, mẹ không nghĩ là mình phải lấy chồng sớm- lấy người mẹ không quen biết.

Mỗi ngày, phải đối diện với khuôn mặt vốn lạnh lùng của mẹ, giờ điểm thêm những nét buồn héo hắt. Xót xa vì thương con, khó khăn lắm, ngoại tôi mới giàn xếp ổn thỏa được cuộc hôn nhân đã định. Mẹ chưa kịp báo tin cho chú thì hôm đó lại ngày chú nhập ngũ. Họ phải chia tay!

Đêm chia tay, ngoài mẹ và chú còn có thêm vài người bạn thân, khiến mẹ không có cơ hội nói lên những điều muốn nói. Và chú đã hát riêng tặng mẹ bài ca “Một lần cuối ”. Mẹ cũng hát tiễn chú, để lúc ra về chú ghé vào tai mẹ ( không muốn ai nghe) lặp lại lời mẹ hát như nhắn nhủ:

Luôn nhớ nhau trong đời,

Luôn nhớ nhau trong đời…

Từ nay cách xa!!!

Lời dặn dò ý nhị của chú đã khắc sâu vào tim mẹ!

Đếm thời gian xa vắng nhau, thắm thoát đã nửa năm chú không hề thư từ liên lạc- có lẽ chú đã nghĩ rằng gia đình sẽ tiến hành cuộc hôn nhân cho mẹ. Mẹ không buồn mà chờ đợi ngày chú về- ngày mẹ báo tin: đã hủy hôn từ lâu!

Nhưng không ngờ, lần đầu nhận tin chú lại là hung tin: Chú mất! Thân xác chú đã vùi sâu tận chiến trường! Mẹ chao đảo, rụng rời, cả trời yêu phút chốc sụp đổ dưới chân người ở lại. Có lẻ nào? Tình ơi!

Tất cả bởi chiến tranh! Nó đến và mang đi hạnh phúc của biết bao người, để trái tim băng giá bao lần tan chảy thành dòng lệ nóng- khóc cho biệt ly- khóc cho người tri kỷ. Biết tìm người ở đâu?

Chú ơi! Giữa vô vàn bản tình ca đẹp, trời khiến xui chi chú lại chọn cho mình bản tình ca định mệnh ấy, để khi chia tay chú đã khóc trên vai người, vuốt tóc người một lần cuối, một lần cuối cùng, rồi thôi…bằng tiếng hát, rồi vĩnh viễn ra đi?

Có lần trong giấc mơ mẹ đã gặp chú, nắm chặt tay mẹ cùng tiến vào cánh rừng sâu, cảnh vật hoang tàn, dưới một thân cây trơ lá, chú đã nói: “ Đây là nấm mồ của anh, mồ cho một kẻ ngốc! ” Bàng hoàng tỉnh mộng, hụt hẩng chơi vơi giữa thực và hư, mẹ lại khóc thật nhiều cho mối tình đầu nghiệt ngã.

Và,… Chú ơi! “ Cái nắm tay ” cùng tiếng “ anh ” đầu tiên chú đã trao cho người trong giấc mộng- có đủ làm ấm lòng người thiếu nữ đang độ tuổi xuân thì, lạnh lùng mà nồng thắm?

Bao năm qua, tôi biết, mẹ tôi đã âm thầm gói trọn kỷ niệm mối tình đầu với hình bóng người xưa, vùi sâu vào đáy mộ tâm hồn để nén hương lòng luôn ngút khói dư âm, cho mẹ mãi tìm về vùng ký ức đau thương của một thời con gái!

Luôn nhớ nhau trong đời,

Luôn nhớ nhau trong đời…

Từ nay cách xa!!!

*Đào Viên: quán nước thơ mộng nổi tiếng thời ấy; mái ngói hình lục giác nằm dưới hàng cây cổ thụ lâu đời. Mỗi đêm, với không gian lắng đọng cùng tiếng hát ru hồn của Thanh Thúy, Khánh Ly.

Rose Tuong Vy

Gửi phản hồi
Họ và tên *:
Nội dung *:
loading...