12:58 | 28/02/2017

Chẳng đàn bà nào hèn mà một mình vật lộn với đời để nuôi con

Tapchisaoviet - Mối quan hệ đã hết vẫn còn nghĩa hoặc trách nhiệm. Trong lúc thực hiện trách nhiệm ấy, mỗi bên nên cố sống tốt nhất có thể và hướng đến lợi ích cho con.

Là một độc giả thường xuyên của mục Tâm sự, tôi viết vài dòng chia sẻ sau khi đọc bài "Chồng chỉ về nhà khi bị bồ bỏ" của bạn Hà Anh. Quá nhiều người chê bạn hèn, nói bạn phải hành động dứt khoát cho chồng biết bạn không phải phương án thay thế, nhưng rốt cuộc chẳng có người đàn bà nào hèn mà có thể vật lộn với đời để một mình nuôi con hết. Có điều bạn rất dại vì hy sinh không đúng chỗ, chờ đợi không đúng người. Tôi muốn chia sẻ với bạn chuyện của bạn tôi, từ một góc nhìn hoàn toàn đối lập.

Anh ấy từng có vợ và 2 con. Vợ chồng đã ly dị, ở thời điểm hiện tại về mặt pháp lý hoàn toàn không còn là vợ chồng. Sau khi ly dị lại cố gắng hàn gắn, quay về sống chung, nhưng rồi cuối cùng vẫn ly thân, anh ra ngoài ở nhờ nhà bạn. Tiền cho con tháng được tháng không, tháng nào có thì cho, không có thì hoàn toàn là vợ nuôi con, con ốm đau bệnh tật vợ đòi đưa tiền anh ấy vẫn lăn lộn đi vay lãi chợ đen ở ngoài để đem tiền về. Người đàn ông đẻ con ra mà không đủ năng lực nuôi con là người đàn ông kém, nhưng có tiền, có điều kiện, con cần là mang về cho con thì không thể gọi là hèn.

 

Trong chuyện vợ chồng, gia đình cũng vậy, nếu vì mâu thuẫn tích tụ, tình cảm mai một mà bỏ gia đình ra ngoài, bỏ vợ (mặc dù trong trường hợp này không còn là vợ chồng, không ràng buộc pháp lý, không ân ái, không chia sẻ, anh chị công khai mọi nơi là đã chia tay thì không còn là vợ chồng nữa), thì người đàn ông đó vẫn là người phụ tình nhưng không phụ bạc. Phụ cái nghĩa tào khang đầu ấp tay gối nhiều năm, nhưng chỉ bạc khi người đó không còn tí trách nhiệm nào, con vẫn lo, gia đình vợ có việc vẫn vào, Tết nhất vẫn thăm hỏi gia đình họ hàng vợ thì khó có thể nói là bạc.

Đàn ông bỏ vợ rồi có người khác cũng là tất yếu của sự vận động của cuộc sống, chẳng ai có điều kiện mà tự nguyện ở vậy chịu lẻ loi, ngay cả vợ cũ anh ấy nếu gặp được người phù hợp cũng chẳng có lý do gì mà không tiến đến. Bản chất sự tan vỡ của gia đình họ không phải vì người thứ 3, mà bởi vì giữa họ đã hết tình. Nếu duy trì được nghĩa và nợ thì tốt, còn không thì thôi, coi như hết duyên hết nợ, sống cuộc sống độc lập với nhau, chỉ cùng lo trách nhiệm chung là con. Một mối quan hệ đã hết tình, người phụ thuộc, người quỵ lụy, người cần, người muốn níu kéo bao giờ cũng là người khổ và thiệt thòi. Một mối quan hệ đã hết vẫn có thể còn nghĩa hoặc còn trách nhiệm. Trong lúc thực hiện nghĩa vụ trách nhiệm ấy, mỗi bên đều nên cố gắng sống cuộc sống của mình tốt nhất có thể và hướng đến lợi ích tốt nhất cho con.

Về bản chất, đàn bà vốn yếu đuối và đôi khi cần đổ lỗi cho một người đàn bà khác đã phá vỡ gia đình họ để có đủ dũng khí và sự hậu thuẫn của dư luận mà bước tiếp. Nhưng một khi gia đình họ đã nát, người thực sự phá là hai người trong cuộc. Gia đình ấy có vững thì dù đẹp như tiên xông vào cũng khó lòng làm nó lung lay, huống hồ đa phần các trường hợp người đến sau thua kém người hiện tại nhiều mặt, nhiều nhất là cái đức hy sinh, nhẫn nhịn, cam chịu. Trong trường hợp của bạn tôi, anh ấy không có tiền, không có gì xuất sắc nổi bật, giành giật được anh ấy cũng chẳng được lợi ích gì. Nếu không còn tình thì việc nó trở thành một con số không tròn trịa, hay gói gọn lại chỉ là trách nhiệm với con sẽ tất yếu xảy ra, lâu hay mau mà thôi.

Chúc chị mạnh mẽ lên và có quyết định tốt nhất cho cuộc sống của mình.

Gửi phản hồi
Họ và tên *:
Nội dung *:
loading...