Tapchisaoviet - Suốt đêm bên nhau. Anh khát! Tôi khát! Nhưng...chỉ có những nụ hôn và vòng tay ghì xiết mê đắm, nồng nàn... “Mai anh đi biên giới, em ráng chờ nhé. Xuân này mình bên nhau rồi”.
Chúng tôi biết nhau trong một hoàn cảnh đặc biệt. Năm ấy, trường tôi tổ chức cho cả khóa đi dân công hỏa tuyến trên bản Xen. Hôm đó đang phát cỏ, tôi bị rắn độc cắn vào bắp chân, sau khi sơ cứu cho tôi, ban quản lý đã liên hệ với đơn vị bộ đội gần nhất xin được một chuyến xe đưa tôi đến bệnh viện huyện cách đó hơn bốn chục cây số. Người lái xe khẩn trương đến đón. Trên xe, vừa tập trung lái, anh vừa động viên tôi và cô y sỹ đi cùng. Rất may, khi đến viện, bác sĩ bảo nếu chậm khoảng tiếng đồng hồ tôi sẽ phải cưa mất ống chân. Còn anh, sau khi biết tôi được cấp cứu kịp thời đã lên xe trở về đơn vị ngay. Sau khi ra viện, được nghỉ dưỡng sức, tôi tạm biệt Bản Xen trong niềm biết ơn mọi người và đặc biệt người lính lái xe hôm đó đã không quản ngại đường núi khúc khuỷu đưa tôi đến kịp bệnh viện.
Ít lâu sau, tôi đã là một cô giáo dạy học cách nhà gần hai chục cây số, ở tập thể nhà trường, chỉ về nhà vào chiều thứ 7. Một buổi về, tôi thấy bên chái nhà có thêm ba tấm phản kê giường cùng vật dụng của lính. Mẹ nói có một đơn vị công binh đóng nhờ xóm tôi để làm cầu phao qua sông Hồng. Mỗi gia đình có một tổ tam tam đóng nhờ. Lúc sau có tiếng xe dừng ngoài ngõ, một anh tài bước vào sân. Tôi sững sờ. Gương mặt ấy, dáng người ấy đã tạc vào tâm khảm tôi một sự biết ơn và mong tái ngộ từ lâu rồi! Thấy tôi, anh cũng ngẩn ra rồi cười xòa “Trái đất nhỏ bé và tròn xoay có khác!”.
Về sau anh bảo anh chú ý đến tôi ngay từ lúc mọi người dìu tôi ra xe anh đi viện cấp cứu bởi tôi có nét từa tựa em gái anh. Còn tôi luôn coi anh như một người anh và mang ơn cứu mạng... Rồi những e dè ban đầu tan nhanh bởi tính anh sôi nổi và nhiệt tình lại hay nói chuyện nữa! Anh thường kể chuyện miền Trung quê anh nóng bỏng gió Lào và cát trắng. Quê anh nghèo nhưng hiếu học. Những người dân quê có sức khỏe dẻo dai. “Như anh đây này!” - Anh giơ tay lên gồng, những “con chuột” nổi lên cuồn cuộn khiến tôi phì cười...
Nhiều đêm, tôi thức giấc và tỉnh ngủ hẳn bởi mé bên chái nhà vẫn thấy tù mù ánh đèn dầu. Tôi lén nhìn, thấy anh nằm đọc sách hoặc ghi chép vào sổ tay, bên cạnh, đồng đội ngáy vang nhà! Có lần, tôi tò mò hỏi. Anh chặc lưỡi “Anh phải đọc để đầu óc đỡ cùn quằn đi! Nay mai xuất ngũ lại đi học tiếp”. Nghe anh nói, tôi lại nhớ đến câu chuyện hiếu học ở quê mà anh thường kể. Thời chống Mỹ, máy bay gầm rú vang trời nhưng cô, trò vẫn ngồi học trong hầm chữ A. Huyện anh nổi tiếng là miền đất “Địa linh nhân kiệt” với sự xuất hiện nhiều nhân tài, nhiều nhà cách mạng nổi tiếng... Đôi lần tôi lật xem những cuốn sách của anh. Toàn là sách Toán, Lý, Hóa và sách văn học kinh điển thế giới như Những người khốn khổ, Đồi gió hú, Con đường sấm sét, Sử thi Mahabharata... Tôi ngạc nhiên lắm. Sách chiếm đến già nửa ba lô rồi còn lấy gì đựng quần áo? Anh chỉ cười “Hai bộ quần áo mặc là đủ. Sách thì bao nhiêu mới vừa?”. Tôi đỏ mặt liên tưởng đến cái giá sách phủ bụi của mình... Cứ thế, chỉ từ những câu chuyện vụn vặt mà chẳng biết tự lúc nào, chúng tôi thân thiết nhau hơn...
Thời gian làm cầu phao đã hết, đơn vị anh rút về địa điểm cũ. Mỗi chiều cuối tuần về nhà, tôi lại thấy trống vắng đến thẫn thờ. Nhưng bù lại, anh hay đi công tác qua trường tôi. Lần nào anh cũng ghé vào chỉ là hỏi chuyện vu vơ hoặc mượn vài ba cuốn sách (sau này tôi mới biết mượn sách chỉ là cái cớ)...
Thế rồi, anh đi công tác trên biên giới đằng đẵng xa. Tôi thấy nhớ. Chiều chiều thẩn thơ cổng trường, giật mình nghe tiếng còi xe quân sự. Đêm xuống, hình ảnh anh quấy quả suốt giấc mơ tôi... Ngày anh về, tôi nghẹt thở. Cả hai như mất bình tĩnh cùng tiến đến nhau, cùng giơ cánh tay về nhau, cùng lúng túng buông xuống rồi nhìn nhau ngượng ngập. Tôi cảm thấy một điều rất hệ trọng: Tôi không thể sống thiếu anh. Ba tháng vò võ xa đã cho tôi cảm nhận nỗi nhớ nhung, trống vắng… Anh sôi nổi kể lại những ngày trên biên giới với bao hiểm nguy, gian nan. Giọng anh trầm xuống: “Anh đôi lúc nghĩ quẩn, nếu có làm sao thì chẳng gặp em lần cuối...!”.
Trái tim tôi dồn dập. Lần đầu tiên, tôi lờ mờ cảm nhận một thứ tình cảm khác thường trong giọng nói run run của anh. Chả lẽ đó là tình yêu? Nhanh và giản đơn vậy sao? Chẳng có một lời tỏ tình lãng mạn, chẳng có một bông hồng ngậm sương như trong tiểu thuyết... Không! Nếu đó là tình yêu thì mối tình ấy chỉ khô như củi mà thôi! Tôi nghĩ thế.
Đúng là khô như củi thật! Những lần gặp mặt, chuyện trò lòng vòng chuyện quê, chuyện đơn vị, sách vở và bạn bè là chấm hết! Có những lúc hai người chết chìm trong không gian lặng ngắt, vậy mà lời tỏ tình lãng mạn kia vẫn chưa đến. Một lần anh vẽ tương lai: Chồng bộ đội, vợ là cô giáo trường làng, một thằng cu mũm mĩm bi bô...
- Cô giáo ấy ở đâu mà chẳng bao giờ thấy anh nói đến?
- Chẳng lẽ lại là người khác hay sao? -. Anh ngượng nghịu nắm tay tôi bóp nhẹ rồi vội buông. Một luồng hơi nóng lan toả lên đầu rồi bốc bừng bừng lên mặt tôi. Đầu óc tôi bùng nhùng cả buổi tối với ngổn ngang lí giải cho những cử chỉ của anh để rồi kết luận: Chúng tôi đã yêu nhau!
...Thấm thoắt đã hai năm trời, tôi thăng hoa trong tình yêu. Vật chất chẳng có gì nhưng tình yêu đã khiến tôi trở thành người giàu có. Tôi được sở hữu một tâm hồn đẹp và nghị lực vượt khó của người mình yêu. Bên anh, tôi thấy mình hạnh phúc nhất trên đời! Thời gian gần nhau không nhiều. Hàng tuần mới gặp nhau một lần chỉ để tranh luận một quyển sách, hoặc một chuyện vớ vẩn nào đấy. Anh bao giờ cũng nhường tính hiếu thắng của tôi bằng câu: "Tránh voi chẳng xấu mặt nào!”.
Bố mẹ không cho anh lấy vợ xa. Biết tin ấy, khi gặp anh, tôi cật vấn rồi khóc. Anh đau khổ đăm đắm nhìn tôi vật vã. Tôi chỉ muốn gục vào lồng ngực vạm vỡ ấy mà trút hết nỗi khổ tâm đang dày vò tình yêu của tôi. Nhưng anh vẫn ngồi yên như hoá đá…
Tôi đã thẫn thờ hàng tháng không anh để bắt trái tim mình đập theo lý trí. Hãy tránh xa anh ra! Nhưng bất lực. Trái tim ấy nổi loạn, nhịp đập vẫn hướng về phía anh, bắt lý trí tôi phải nhớ về anh! Mỗi khoảnh khắc nhớ ấy lại khiến tâm hồn tôi xao động …Còn anh bận gì mà không đến khiến tôi đớn đau, tủi hổ với cảm giác bị bỏ rơi giữa đường…
Đột ngột, một ngày anh xuất hiện:
- Mai anh đi tăng cường cho biên giới!
Ôi! Đi biệt bao ngày để người yêu hụt hẫng mà lúc gặp mặt chỉ thông báo một câu gọn lỏn là xong? Tôi dỗi! Anh cố giải thích để tôi hết lo, rồi nghiêm nghị: “Bố mẹ đã cho anh lấy vợ ngoài này. Các cụ còn giục đem con dâu về đấy!”.
Vỡ òa niềm vui trong tôi. Thì ra anh vừa nghỉ tranh thủ về thuyết phục bố mẹ... Bất giác, anh ghì chặt tôi vào lòng. Tôi ngỡ ngàng với cử chỉ thân mật khác thường ấy của anh, ngỡ ngàng đón nhận nụ hôn Mối Tình Đầu, ngỡ ngàng với tin vui anh mang lại như món quà trời đất ban tặng cho cuộc đời chúng tôi!
Suốt đêm bên nhau. Anh khát! Tôi khát! Nhưng...chỉ có những nụ hôn và vòng tay ghì xiết mê đắm, nồng nàn... “Mai anh đi biên giới, em ráng chờ nhé. Xuân này mình bên nhau rồi”. Anh đã thì thầm hàng trăm lần như thế. Tôi ngất ngây trong những nụ hôn đầu đời - những nụ hôn thoảng vị mặn mòi của gió biển miền Trung, thoảng hương cau thơm ngát vườn anh - và hạnh phúc, tin cẩn vùi mặt vào lồng ngực vạm vỡ an toàn, chắc chắn như bến bờ vĩnh cửu của đời tôi...
… Sau đó là những ngày biền biệt xa. Tôi đem tình yêu và nỗi nhớ anh vào bài giảng. Bài thơ “Đợi anh về” của Ximônốp, tôi tham dự hội giảng đã khiến mọi người rưng rưng...
Đêm ấy, sau khi chấm bài, tôi rút nhật kí ra tâm sự với anh. Mệt. Tôi gục xuống trang nhật ký mơ màng… Chợt cánh cửa bật tung, anh đứng giữa cửa, đưa hai cánh tay về phía tôi và nhìn tôi bằng đôi mắt sáng rực. Tôi dụi mắt kinh hoàng khi thấy máu ròng ròng trên người anh xuống ướt đẫm bậc cửa. Tôi hét lên thất thanh... rồi giật mình choàng dậy, cánh cửa vẫn đóng... Hoá ra tôi đã mơ một giấc mơ kì quái...
Lửa đốt ruột gan tôi, đến khi thấy có bóng quân phục trên sân trường, tôi choáng váng khuỵu xuống. Người lính trẻ đến đón tôi về đơn vị dự lễ truy điệu anh. Anh hy sinh khi đang làm nhiệm vụ, gần nửa thân dập nát vì mìn… Khi đồng đội kéo ra, anh chỉ kịp đặt tay lên túi áo ngực, trong đó có tấm ảnh của tôi rồi trân trân nhìn đồng đội như muốn trăng trối một điều gì...
Đơn vị cũng kịp đón cha anh ra vĩnh biệt con. Người cha khắc khổ nắm tay tôi nghẹn ngào “Tháng trước, hắn về quê, thuyết phục bằng được cha mẹ cho lấy con, nhưng giờ hắn nỏ được rồi...”. Ông rưng rức khóc. Tôi gục vào ông. Hai mái đầu xanh mướt và bạc trắng gục vào nhau cùng nức nở đau chung một nỗi đau xé trời đất....
Rồi anh về đất mẹ để gió biển mơn man ru và hát mãi về một tình yêu đầu đời trắng trong, bất diệt. Cứ năm năm một lần, tôi lại vào với anh, tưới đẫm khóm hoa violet đầu mộ bằng những giọt lệ nóng bỏng của mình. Nghĩa trang liệt sĩ trầm mặc, cát trắng cuộn dưới chân tôi như lưu luyến, níu kéo... Cho đến tận hôm nay, khi cuộc tình ấy đã đi qua hơn ba thập kỷ nhưng với tôi vẫn vẹn nguyên, tinh khôi và đôi lúc vẫn man mác cảm thấy anh về thoảng như làn gió nhẹ, khẽ khàng thầm thì bên tai “Em ơi! Xuân này mình bên nhau rồi!!!”
Trần Thị Minh