Tapchisaoviet - Phụ nữ chúng ta một lòng một dạ hi sinh cho chồng con nhiều như vậy, đánh đổi mọi thứ để được bình yên và hạnh phúc. Vậy phụ nữ chúng mình hy sinh nhiều như vậy thì là dại hay là khôn?
Người phụ nữ ấy sống trong cảnh chồng chung, nhưng không dám làm gì, chỉ biết giấu nước mắt vào trong và thỉnh thoảng đi đến gặp tư vấn nói cho thỏa nỗi lòng. Chồng chị, chị và “cô ta” đều là giảng viên của một trường đại học. Chồng chị là tiến sĩ và là phó trưởng khoa của một khoa lớn nhất trường, chị và “cô kia” chỉ là giảng viên bình thường. Rồi chị phát hiện anh và cô kia hẹn hò nhau. Rồi một ngày, chị nhận được một tin nhắn từ sim rác, nói rằng chồng chị đang trong nhà nghỉ với tình nhân.Tin nhắn ấy còn chỉ rõ số phòng, số tầng, địa chỉ và tên của nhà nghỉ ấy, thách thức chị “có muốn đến xem không?”.
Theo địa chỉ trong tin nhắn, chị đến nhà nghỉ ấy, nhưng không đủ can đảm để vào. Chị dựng xe máy dưới gốc cây bằng lăng ben đường, đối diện với nhà nghỉ và chờ đợi. Trong thâm tâm, chị chỉ mong nội dung tin nhắn là sai sự thật, chị ước đứng đến khuya không phát hiện điều gì. Nhưng không như chị ước, chỉ hơn tiếng sau chị đã nhìn thấy chồng chị và “cô kia” đi ra. Hóa ra, chính cô ấy nhắn tin cho chị. Tại sao lại có người đã ăn vụng với chồng người ta, lại còn nhắn tin khai báo với người vợ, chị nghĩ mãi mà không hiểu.
Tức điên người, chị nhắn tin lại cho số sim rác đã gửi tin nhắn, nội dung là “tôi biết cô là ai rồi, đồ trơ trẽn”. Lập tức từ số máy kia tin nhắn gửi lại, với lời lẽ thách thức: “Ừ, tôi thích chồng chị đấy, mai vào trong trường mà gửi đơn tố cáo, chồng chị sắp được lên trưởng khoa đấy. Đơn tố cáo ấy mà vào tay mấy kẻ ghen ăn tức ở, chồng chị có mà không ngóc đầu lên được…..”. Tối đó, chị khóc lóc, vật vã với chồng, chồng chị thú nhận rằng thỉnh thoảng mới đi nhà nghỉ với cô bạn kia, chồng cô ấy công tác xa, cô ấy thiếu thốn tình cảm, chứ chẳng muốn phá vỡ gia đình mình đâu. Rồi chồng chị cũng đe nẹt vợ đúng như giọng của người phụ nữ kia, rằng anh đang trên đà phát triển công danh, sự nghiệp, chị mà để lộ thông tin này ra thì anh là người bị hại. Nhà lại có hai cô con gái, chúng nó biết bố có bồ, không ai có thể bảo ban, dạy dỗ con được nữa. Nghe anh nói thế, chị đau mà đành im lặng.
Chồng chị lên được trưởng khoa thì lại có quy hoạch nguồn cán bộ quản lý cho chức phó hiệu trưởng. Cứ như thế, chị sống cảnh chung chồng hơn mười năm nay. Chị xanh xao vì khó ngủ vào ban đêm. Mặt chị lúc nào cũng lơ ngơ như kẻ mất hồn. Đã đôi lần chị phải vào viện điều trị bệnh trầm cảm. Bao năm nay, các chuyên viên tư vấn đã phân tích cho chị thiệt hơn khi cam chịu, nhưng chị chọn con đường “hy sinh”.
Lần này chị đến văn phòng tư vấn tâm lý là để kể về chuyện cô con gái út của chị đang học lớp 12 thì yêu một thanh niên bỏ học, ở quê lên làm thuê cho quán cà phê gần nhà. Con gái chị đòi mẹ chuyển trường cho nó sang trường khác, lý do trường cũ kỷ luật nghiêm quá. Hóa ra, nó chỉ muốn sang một trường nào đó quản lý học sinh không chặt, để nó có thể bỏ tiết, trốn trường, có thời gian ra quán cafe với người yêu. Chị bảo đang học lớp 12, năm cuối, không ai cho chuyển trường thì nó dọa bỏ học. Mà không chỉ dọa, nó đã nghỉ hai hôm rồi. Chồng chị biết chuyện, nhưng từ lâu rồi anh ấy không dám nói lời gì mang tính khuyên bảo các con được nữa. Anh linh cảm thấy các con biết hết chuyện của bố, sợ nói thì lại thành “há miệng mắc quai”. Chị cứ khóc ngặt nghẽo, nói rằng số chị khổ, đã mất chồng, giờ lại có nguy cơ mất cả con….
Sự hy sinh sẽ là khôn ngoan, nếu nó làm lay động tâm can người khác, khiến người khác sống tốt đẹp hơn. Người mẹ nghèo hết lòng lo cho con ăn học, điều đó khiến đứa con vô cùng cảm động, lao vào học hành tử tế để không phụ công cha mẹ, cuối cùng thành tài, thành đạt, đó là “hy sinh khôn”. Người vợ chấp nhận thua thiệt, dành thuận lợi cho chồng yên tâm công tác, phấn đấu cho sự nghiệp, thành danh, thành tài, đổi lại, người chồng trân trọng, yêu thương và biết sống một lòng, một dạ với người vợ để đền đáp công lao và sự hy sinh của vợ, đó cũng là “hy sinh khôn”.
Từ ngàn đời nay người ta vẫn ca ngợi sự hy sinh của những người mẹ, người vợ. Nhưng đây đó vẫn có ý kiến cho rằng hy sinh là dại dột, phải biết sống vì mình, sống cho mình, chẳng tội gì phải hy sinh, chấp nhận thua thiệt về mình. Một người cứ chấp nhận sự thua thiệt, còn người kia không cố gắng sống cho tử tế, vẫn phụ tấm lòng tốt của người đã hy sinh, đó là “hy sinh dại”.