Tapchisaoviet - Người thầy giáo ngậm ngùi nhận vài ký gạo khi ngoài kia râm ran thưởng Tết, cả năm lấm lem phấn trắng, nay thêm nỗi lo cái Tết chu toàn!
Trời man mát vài cơn mưa rào, phố phường dần dần thưa thớt. Nghĩ vẩn vơ vài thứ như mầm xanh chờ hé nụ, như con cá chép vẩy nước tan vào nắng xuân, như hồi mưa tầm tã vội vã đón đưa. Vài thứ vụn vặt, rảnh rỗi là thế, chẳng biết đụng tay vào việc gì, thời gian đang rỉ rả trôi qua rất nhàn nhã. Chầm chậm mà hết năm, thời gian đâu đợi ai, cũng như em thiếu nữ năm nào đâu đợi mà lặng bước sang ngang, đành cám cảnh, dẫu muốn dẫu không đành nghĩ về cái không khí Tết. Chỉ cần một chút để ý đến những việc xung quanh mình, những việc tưởng chừng ngoài xã hội nhưng lại ngay bên cạnh, hiển hiện ngay trước mắt. Từ chuyện chuẩn bị cho Tết đi đâu đến chuyện thưởng Tết rồi ăn gì, mua gì, sắm bao nhiêu,… sẽ thấy cái Tết đang trĩu nặng rất rõ: Tết nghèo.
Người lao động cả năm làm việc quần quật mong sao có chút tiền dành dụm để về nhà. Nhưng vì mất việc, giảm lương mà cuối năm vẫn rỗng túi, đành dằn lòng ở lại ăn một cái Tết xa lạ, không một người thân, mắt đỏ hoe với cái Tết nghèo. Thương cái Tết của những chị công nhân chỉ dám ăn uống kham khổ, mớ rau, con cá lấy sức tăng ca, vất vả ở những xóm trọ, nuốt nước mắt nhìn con thơ khát sữa, khổ mấy họ cũng chịu vì một điều hy vọng: về quê ăn Tết. Thương anh nông phu vốn đã nghèo nàn, vất vả, vật giá leo cao, nay lại càng thiếu thốn. Càng thương hơn những chị mang sắc hoa từ miền Tây, men theo con nước qua luồng qua lạch đến với đô thị, mang cái hương xuân ra phố. Họ bán buôn không biết lời lỗ bao nhiêu nhưng vẫn luôn là những người về nhà trễ nhất đêm 30. Ước muốn lớn nhất của họ cuối năm là được sum họp với gia đình.
Nhìn người thầy giáo ngậm ngùi nhận vài gói mì, vài ký gạo khi ngoài kia râm ran thưởng Tết, cả năm lấm lem phấn trắng mang con chữ, nay thêm nỗi lo cái Tết chu toàn. Những em sinh viên xa nhà không đủ tiền về quê, tự đón Tết bằng cái tình đồng hương. Có rơi không những giọt lệ nóng? Tết đến, xuân về, mỗi người mỗi cảnh, ai cũng có cho riêng mình hoài niệm Tết, cái không khí mẹ rửa lá, bà gói bánh, cả nhà quây quần bên nồi bánh. Ai cũng mong gia đình đoàn viên bên mâm cơm ngày Tết. Nhưng dù Tết giàu hay nghèo cốt yếu vẫn là chữ “Tết” trong mỗi con người. Còn đó biết bao nhiêu nỗi lo toan, loay hoay trong không khí Tết. Nhiều lắm!
"Tết nghèo nên chẳng có rượu trà
Bạn bè không đến ngại đường xa
Thăm viếng làm chi cho thêm tủi
Tết đến vài ngày Tết sẽ qua..."