17:00 | 03/06/2020

Xuất hiện nhiều ý tưởng sáng giá trong cuộc thi Trang phục dân tộc Miss Universe 2020

Tintuc - Sau hơn một tháng khởi động, cuộc thi “Tuyển chọn thiết kế trang phục dân tộc cho đại diện Việt Nam tại Miss Universe 2020” đã thu hút đông đảo thí sinh tham gia, trong đó nhiều bài thi thể hiện sự sáng tạo, độc đáo dựa trên chất liệu áo dài. BTC cũng đã công bố những bài thi đầu tiên đầy ấn tượng.

Với chủ đề “Việt Nam – Tuyệt tác đường cong”, cuộc thi năm nay không chỉ đề cao lòng tự hào dân tộc trong trái tim mỗi công dân, kết hợp sự hiện đại phát triển của đất nước, mà còn tôn vinh những tuyệt tác mà tạo hoá ban tặng cho Việt Nam như thiên nhiên, phong cảnh, văn hóa lịch sử… thể hiện vẻ đẹp vĩnh cửu với thời gian.

Bắt đầu nhận bài dự thi từ ngày 22/04/2020, ban tổ chức tiết lộ năm nay tuy chủ đề có sự giới hạn trên chất liệu áo dài, nhưng các thí sinh vô cùng sáng tạo, đặc biệt nhiều bài thi chú trọng đến yếu tố độc đáo và kỹ năng trình diễn trên sân khấu, tạo sự bất ngờ cho khán giả. Từ một bộ áo dài truyền thống tưởng chừng như đơn giản, các thí sinh đã thiết kế, biến tấu trở thành một bộ trang phục mới mẻ, nhưng vẫn đảm bảo các yếu tố về thuần phong mỹ tục của Việt Nam.

Lấy ý tưởng từ đại dịch toàn cầu Covid-19, bài thi “Việt Nam kiên cường” của Cao Văn Tường hướng đến tính trình diễn, nêu rõ vấn đề thế giới đang quan tâm hiện nay và bày tỏ lòng biết ơn với các bác sĩ trên toàn thế giới. Trang phục gồm lớp khoác bên ngoài là bộ đồ bảo vệ bên trong là tà áo dài trắng, khi đến giữa sân khấu mở cúc áo bảo hộ, xoay một vòng lộ ra chiếc áo dài trắng tinh khôi như nói lên sự dịu dàng cũng như sự mạnh mẽ không chỉ riêng phụ nữ mà cả dân tộc Việt Nam đang kiên cường chống lại mọi khó khăn của dịch bệnh. Áo bảo hộ bên ngoài thiết kế để dễ tháo ra khi trình diễn. Sau lưng là chiếc bình xịt sát khuẩn, gắn trên lưng như một chiếc ba lô, dính liền với áo bảo hộ (bình sát khuẩn chủ yếu là từ chất liệu nhẹ, không nặng nề, như một chiếc ba lô).

Mang tên “Thịnh Vượng”, bài thi của Lý Thái chứa nhiều ý nghĩa về vàng – trang sức được nhiều người dân Nam Bộ yêu thích. Việc đeo trang sức vàng như là một phần thưởng sau những tháng ngày vất vả của đa số người dân. Bộ áo dài “Thịnh Vượng” nhằm tôn vinh giá trị vật chất lẫn tinh thần lao động phấn đấu để có cuộc sống sung túc hơn. Bên cạnh đó, hình ảnh Phật Di Lặc đặc biệt mang đến sự hạnh phúc và may mắn trong cả đời thường lẫn đời sống tâm linh. Hơn hết, câu chuyện truyền năng lượng tích cực của nhân vật tạo ảnh hưởng lớn trong cộng đồng LGBT chính là nguồn cảm hứng chính cho bộ trang phục này, cô Minh Hiếu. Qua đó, chúng ta sẽ hướng đến cuộc đời đầy lạc quan và lối sống tích cực hơn.

“Áo dài tung lưới” của Nguyễn Thái Cường lấy ý tưởng từ văn hóa bắt cá mùa nước nổi ở miền Tây Nam Bộ. Bộ trang phục được thiết kế với phần trung tâm là cô gái mặc áo dài trắng gồm phần trên là người thật còn phần dưới là hình nhân. Phần chân thật của người mặc giấu dưới chiếc váy hình cuộn nước bên dưới. Cuộn nước nâng trên mình chiếc ghe chở đầy hoa súng, bên dưới là đàn cá bạc tung tăng. Khi trình diễn, người mặc sẽ thể hiện động tác văng lưới, thể hiện hình ảnh hùng vĩ của thiên nhiên và con người, trong đó con người chế ngự và khai thác thiên nhiên.

“Lạc Vân” của Võ Thanh Can sử dụng hình tượng loài chim nước quen thuộc, sải cánh bay trên Trống Đồng Đông Sơn và một số đồ đồng khác thuộc văn hóa khảo cổ Đông Sơn. Thiết kế vẫn giữ nguyên form dáng Áo dài của Việt Nam, với phần tay ráp lăng và cổ cao truyền thống, được xử lý hiện đại hóa với chất liệu lưới trong suốt kết hợp cùng lụa tơ tằm tự nhiên. Điểm nhấn chính từ nhiều chất liệu lông trắng khác nhau. Hiệu ứng đính kết pha lê thủ công tạo điểm nhấn cho yếu tố trình diễn sân khấu với hình ảnh đôi cánh cách điệu được bắt tréo vào nhau, cùng hình ảnh chim Lạc được chế tác thủ công đính kèm ở sau, thay cho khăn mấn và trâm cài truyền thống.

Lấy cảm hứng từ tà áo dài truyền thống Việt Nam kết hợp với múa quyền, đi đường quyền hay còn gọi là đường lang quyền, “Đi đường quyền” của Nguyễn Duy Gun là một bài thi thú vị bắt theo trend hiện nay của giới trẻ. Vàng đeo trên tay, trên cổ thể hiện sự giàu có, đẹp đẻ, và đúng chất miền Tây Việt Nam. Đồng thời hình ảnh 7 quyển sổ đất đại diện cho sự cần cù, đó là thành quả của con người mới có được và số 7 cũng là số may mắn trong tâm thức con người. Tà sau, hình ảnh của cô Minh Hiếu (một nhân vật đang nổi tiếng trên mạng xã hội) vừa hiền lành vừa đại diện cho cái lương thiện luôn giúp đỡ mọi người vượt qua các khó khăn trong cuộc sống. Ngoài ra, chất liệu để làm nên bộ áo dài này là lụa Nam Vang, thể hiện sự sang trọng, tinh tế toát nên nét đẹp dịu dàng, thanh nhã.

Bộ trang phục “Hồ Gươm” của Vũ Quốc Việt lấy ý tưởng từ sự tích Hồ Gơm, với thiết kế này người xem có thể liên tưởng được cốt truyện, bởi sự nổi bật của Rùa Vàng và Hồ Gươm cùng với những họa tiết trên chiếc áo dài không đối xứng với nhau, cùng với màu sắc, khiến bộ trang phục trở nên tình cảm hơn. Bài thi này đề cao yếu tố văn hóa lịch sử.

Ấn tượng với nền văn hóa cổ phong đậm chất Huế, Phạm Hoài Nam đã sáng tạo nên bài thi “Nàng Lam xứ Huế”, với chiếc áo Nhật Bình – đặc trưng cho mệnh phụ ngày xưa, kết hợp cùng hơi thở hiện đại tươi mới, đằm thắm và đầy duyên dáng trong tà áo dài trắng nên thơ. Vẻ đẹp hòa quyện cổ kính và hiện đại được thể hiện bằng hiệu ứng trình diễn trên sân khấu, tạo sự bất ngờ cho khán giả.

“Tết Việt” của Nguyễn Phúc Hậu sử dụng ý tưởng độc đáo về ngày Tết cổ truyền Việt Nam, khi thể hiện hết tất cả các nét văn hóa ngày Tết vào trong bộ trang phục như bánh chưng, bánh tét, hoa mai, hoa đào, câu đối đỏ, ông đồ già… Màu sắc chính của “Tết Việt” là màu vàng và đỏ chính là hai màu chủ đạo của Quốc kỳ Việt Nam. Thông qua bộ áo dài này, tác giả mong muốn quảng bá bộ trang phục cùng nét văn hóa độc đáo để bạn bè thế giới biết đến và tìm hiểu về thiên nhiên và con người Việt Nam.

Tiếp tục là một bài thi của Cao Văn Tường, “Đất võ trời văn” lấy ý tưởng từ võ thuật lâu đời Tây Sơn – Hát Bội của Bình Định, cách tân từ chiếc áo dài, đường nét của môn nghệ thuật Hát Bội vào bộ trang phục của võ thuật Tây Sơn, họa tiết rồng phụng, thêu, đính kết, tua rua… Cảm hứng từ chính mảnh đất Bình Định địa linh nhân kiệt sinh ra các anh hùng dân tộc Quang Trung – Nguyễn Huệ; Nghệ nhân tuồng cổ, hát bội Đào Duy Từ, Đào Tấn, nhà thơ Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử…, trang phục mang tính trình diễn trên sân khấu nói lên sự mạnh mẽ của phụ nữ Việt Nam và võ thuật cổ truyền ra Thế giới. Điểm nhấn là khi đi ra sân khấu, người mặc sẽ đi roi (quyền) mạnh mẽ, dứt khoát.

“I Am Vân” của Nguyễn Văn Điền lấy ý tưởng từ những bức tranh vẽ về Sài Gòn nhằm giới thiệu về một thành phố năng động, hiếu khách và đó cũng là quê hương của Hoa hậu Khánh Vân. Đăng quang Hoa hậu Hoàn vũ Việt Nam đồng nghĩa với việc gánh vác trọng trách của một Hoa hậu và sức nặng của chiếc vương miện “Brave Heart” trên vai. Gắn với sứ mệnh cao cả của một Hoa hậu – Khánh Vân sẽ luôn mong muốn giúp đỡ những hoàn cảnh khó khăn trong cuộc sống như cộng đồng LGBT hay những người nhiễm HIV… Với chiếc mấn được lấy ý tưởng từ biểu tượng của Miss Universe cùng sự lấp lánh của những viên pha lê, với ngôi sao mong muốn Khánh Vân sẽ thực hiện trọn vẹn hành trình chinh phục vương miện của mình bằng một trái tim thật dũng cảm.

Cuộc thi “Tuyển chọn thiết kế trang phục dân tộc cho đại diện Việt Nam tại Miss Universe 2020” cũng sẽ được đưa vào nội dung phát sóng trong series digital “Road To Miss Universe 2020”, dự kiến phát sóng vào cuối năm nay.

Thời gian nhận bài thi đến hết tháng 06/2020. Ngay từ bây giờ, khán giả có thể bầu chọn ra Top 16 bài thi trong bảng Tự Do để cùng với Top 16 bảng All Stars tham gia vòng 2 – Đối đầu. Địa chỉ nhận bài: Văn phòng Công ty TNHH Universe Media Vietnam, 600 Điện Biên Phủ, P.22, Q.Bình Thạnh, TP.HCM.

Gửi phản hồi
Họ và tên *:
Nội dung *:
loading...