10:52 | 27/07/2017

Tinh tế, dịu dàng, trong sáng – đêm nhạc lãng mạn đầu thu

Tapchisaoviet - Tối 29-7, tại Nhà hát Thành phố, đêm Âm nhạc lãng mạn sẽ trình diễn những kiệt tác – di sản âm nhạc nghệ thuật của thế giới.

Những “tượng đài” âm nhạc nghệ thuật Âm nhạc Lãng mạn châu Âu thế kỷ 19 đã để lại một di sản nghệ thuật vô cùng giá trị cho nhân loại. Với sự phát triển bùng nổ về tư duy, ngôn ngữ, phong cách nghệ thuật, những tài năng âm nhạc xuất hiện khắp các quốc gia châu Âu với những tác phẩm tiên phong, bứt phá từ những nền tảng, tượng đài của nghệ thuật âm nhạc thời kỳ cổ điển. Đêm nhạc Lãng mạn được tổ chức tại Nhà hát Thành phố ngày 29/7/2017 sẽ giới thiệu những tác phẩm đặc biệt của 2 trong số những nhà soạn nhạc lẫy lừng nhất của thời kỳ rực rỡ này.
Felix Mendelssohn là một hiện tượng rất đặc biệt trong âm nhạc lãng mạn thế kỷ XIX. Mendelssohn có thể toàn tâm toàn ý cống hiến cho âm nhạc mà không phải chịu bất kỳ sức ép hay những lo toan đời thường nào. Cuộc đời ông cũng thanh bình như chính âm nhạc của ông vậy. Có thể nói toàn bộ sự nghiệp sáng tác của Mendelssohn có nhiều nét tương đồng với Mozart trong đó nổi bật lên là sự dịu dàng và trong sáng.

Sáng tác khi Felix 14 tuổi, vào cuối hạ đầu thu năm 1823, Concerto cho 2 piano Cung Mi trưởng, MWV O 5, là một tác phẩm gồm 3 phần thuộc hàng ít được quan tâm, tuy vậy vẫn giữ những đường nét mượt mà, thanh bình của một tâm hồn trẻ đang định hình cho phong cách. Ngoài ra, người ta nghe nhiều đến Felix Mendelssohn, nhà soạn nhạc có tố chất thiên tài đến mức khi mới ở tuổi thiếu niên đã viết được những bản nhạc mang cấu trúc phức tạp hơn cả Mozart vào cùng cái tuổi ấy. 
Nhưng ít ai biết rằng, gia đình này có một thành viên mà tài năng âm nhạc thậm chí còn dữ dội và phá cách hơn Felix Mendelssohn, đó là Fanny Mendelssohn, chị gái của Felix. Cũng như em trai, ngay từ nhỏ Fanny đã bộc lộ những tố chất âm nhạc hiếm có. Chính Felix Mendelssohn cũng phải thừa nhận, trong hai chị em, thì Fanny trên cơ ông về piano. 

Bản concerto cho 2 đàn piano của Felix Mendelssohn sẽ được trình diễn bởi hai gương mặt trẻ nhiều tiềm năng trong lĩnh vực âm nhạc cổ điển chuyên nghiệp tại TP HCM, hai nghệ sĩ piano Nguyễn Thùy Yên và Phạm Nguyễn Anh Vũ. Họ là thế hệ các nghệ sĩ được đào tạo chính quy, đã có nhiều cọ xát biểu diễn với các nghệ sĩ, chỉ huy quốc tế. Cả hai nghệ sĩ đều là giảng viên của Nhạc viện TP HCM, họ tập luyện và biểu diễn với nhau thường xuyên nên đã đạt được sự hòa nhập, ăn ý rất cao trong biểu diễn.

Năm 1840 là năm hạnh phúc nhất của Schumann. Ông và nữ danh cầm piano Clara Wieck đã vượt qua được những rào cản để tổ chức một đám cưới thật hạnh phúc. Đối với Schumann, đó là cả một cuộc sống mới với những giấc mơ mới. Schumann sáng tạo bằng mộng tưởng, và có lẽ phải là những mộng tưởng bùng lên trong đầu ông mới có thể khiến ông sáng tác với tốc độ phi thường đến thế. Chỉ trong bốn ngày cuối tháng giêng năm 1841, Schumann đã phác thảo xong bản giao hưởng đầu tiên của ông, giọng Si giáng trưởng, tập tác phẩm số 38. Một tháng sau đó, nó đã được hoàn thành với một cấu trúc hoàn chỉnh. Ông đã đặt tên nó là “Giao hưởng Mùa xuân”, cũng là tác phẩm giao hưởng đầu tiên trọn vẹn mà ông sáng tác.
Theo nhật ký của Clara, bản giao hưởng số 1 này cùng với tiêu đề của nó được lấy cảm hứng từ những bài thơ mùa xuân của Adolph Boettger. Nhưng chính Schumann thì lại cho rằng, cảm hứng của ông hoàn toàn bắt nguồn từ việc Clara đã khích lệ ông viết giao hưởng và từ một mùa xuân tràn ngập hạnh phúc trong tình yêu với Clara.
Bản Giao hưởng đã được chào đón nồng nhiệt ngay trong lần trình diễn đầu tiên ngày 31/3/1841 ở Leipzig, do đích thân Felix Mendelssohn chỉ huy. Tuy nhiên, Schumann vẫn quyết định sửa lại các chương vào tháng tám năm đó. Kể từ giao hưởng số 1, Schumann đã bắt đầu xây dựng cách thức sáng tác các tác phẩm lớn của ông, đó là phác thảo thật nhanh tất cả những ý tưởng bùng lên trong đầu và chỉnh sửa lại tác phẩm sau một lần trình diễn thử nghiệm.
Giao hưởng mùa Xuân giọng Si giáng trưởng, Opus 38, được viết cho đôi flute, oboe, clarinet, bassoon, 4 kèn, 2 trumpet, 3 trombone, 3 timpani, triangle và dàn dây. Giao thoa văn hoá Đông – Tây Dàn dựng và chỉ huy đêm diễn là nhạc trưởng trẻ tuổi tài năng Trần Nhật Minh. Tuy bắt đầu sự nghiệp chưa lâu nhưng anh đã gây dựng được những dấu ấn quan trọng cho sự nghiệp chuyên nghiệp của mình với một số giải thưởng quốc tế danh giá. Trần Nhật Minh cũng đã khẳng định được vai trò của mình khi đảm nhiệm những chương trình đẳng cấp chuyên môn cao nhất của HBSO như nhạc kịch Cây sáo thần, nhạc kịch Carmen, vũ kịch Kẹp hạt dẻ …

Nghệ sĩ piano Nguyễn Thùy Yên bắt đầu học hệ Trung cấp piano tại Nhạc viện Tp.Hồ Chí Minh từ năm 1985. Cô tốt nghiệp hạng xuất sắc bậc Đại học chuyên ngành Biểu diễn Piano tại Nhạc viện TP. Hồ Chí Minh năm 2000 dưới sự hướng dẫn của NGƯT. Trần Thanh Thảo - nguyên Phó Trưởng khoa Piano Nhạc viện TP. Hồ Chí Minh.

Năm 2005, tốt nghiệp bậc Cao học chuyên ngành Biểu diễn Piano với sự hướng dẫn của cố GS.NSƯT Nguyễn Hữu Tuấn - nguyên Trưởng khoa Piano Nhạc viện
Hà Nội và GS.TS.NGND. Trần Thu Hà - nguyên Giám đốc Nhạc viện Hà Nội (nay là Học viện Âm nhạc Quốc gia Việt Nam).

Nguyễn Thuỳ Yên đã tham gia nhiều chương trình biểu diễn độc tấu và hòa tấu cùng dàn nhạc giao hưởng Nhà hát Giao hưởng và Vũ kịch TP. Hồ Chí Minh, dàn nhạc GIao hưởng Sài Gòn Philharmonic. Cô cũng tham gia tổ chức và biểu diễn trong Piano Festival Quốc tế lần I năm 2011, Piano Festival Quốc tế lần II năm 2013 của Nhạc viện TP. Hồ Chí Minh,biểu diễn trong các chương trình Nhạc thính phòng của Nhạc viện TP. Hồ Chí Minh, Đài Truyền hình TP. Hồ Chí Minh, Phòng hòa nhạc Kimbrough của Đại học Washington State University ( Mỹ). Nguyễn Thuỳ Yên là thành viên ban giám khảo Cuộc thi Quốc tế Tài năng Trẻ Piano Steinway 2012 vòng thi quốc gia, giám khảo Cuộc thi Piano TP. Hồ Chí Minh 2017. Hiện cô là Phó Trưởng khoa Piano, Nhạc viện TP.Hồ Chí Minh.

Pianist Anh Vũ dưới sự hướng dẫn của Nhà Giáo Ưu Tú Trần Thanh Thảo, đã tốt nghiệp Đại học Chuyên ngành Piano hạng xuất sắc năm 2002 và ngay sau đó trở thành Giảng viên khoa Piano, Nhạc viện Tp.HCM. Anh Vũ vừa là Giảng viên khoa piano, vừa tham gia các buổi biểu diễn với các nghệ sĩ trong và ngoài nước như Patrick Zygmanovsky, Igor Chystoklevtov, Lê Hồ Hải,
Nguyễn Thùy Yên, Đặng Ngọc Giang Quân, Văn Hùng Cường, Duo Hirsch-Pinkas... Anh cũng đã biểu diễn cùng Dàn nhạc Nhà hát Giao hưởng Vũ kịch Tp.HCM với các nhạc trưởng Trần Vương Thạch, Jan Stulen, Christian Schumann, David Gomez Ramirez.

Vào tháng 8 năm 2009, pianist Phạm Nguyễn Anh Vũ được chọn tham gia chương trình “Cultural Visitor Program for young Artist” do Đại sứ quán Mỹ và Trung tâm nghệ thuật biểu diễn Kennedy tổ chức tại Washington DC. Anh Vũ cũng đã được học các lớp masterclass về Chỉ huy dàn nhạc với các nhạc trưởng Jan Stulen, Christian Schumann, và đã chỉ huy Dàn nhạc Giao hưởng và Vũ
kịch Tp.HCM. Cuối năm 2012, anh đã hoàn thành chương trình Chỉ huy dàn nhạc bậc Cao học dưới sự hướng dẫn của Giáo sư NSND. Quang Hải. Phạm Nguyễn Anh Vũ từng tham gia biểu diễn trong Festival Piano Quốc tế TPHCM 2011, 2013 và trong những chương trình Piano Concert hàng năm của khoa Piano.
Với những gương mặt tiềm năng và đầy nhiệt huyết, Đêm nhạc lãng mạn trình diễn bởi dàn nhạc giao hưởng Nhà hát Giao hưởng Nhạc vũ kịch TPHCM (HBSSO) hứa hẹn mang lại những giá trị thưởng thức thú vị.

Gửi phản hồi
Họ và tên *:
Nội dung *:
loading...