Tapchisaoviet - Tác phẩm "Nữ Đại Gia" là một trải nghiệm không thành công của đạo diễn Lê Văn Kiệt khi lập lờ giữa thương mại và nghệ thuật.
Sau thành công về mặt nghệ thuật của Dịu Dàng hồi năm ngoái, êkip Lê Văn Kiệt (đạo diễn) và Trần Trọng Dần (nhà sản xuất) thừa thắng xông lên với Nữ Đại Gia. Dự án này có sự tham gia của MC Nguyễn Cao Kỳ Duyên cùng nhiều cái tên quen thuộc trên màn ảnh như Trương Quỳnh Anh, Quang Sự, Huỳnh Anh Tuấn.
Có lẽ, Lê Văn Kiệt là nhà làm phim không may nhất Việt Nam, khi anh thực hiện 5 phim thì đã có 2 phim bị cấm chiếu (Bẫy Cấp 3 và Rừng Xác Sống). Nữ Đại Gia từng được lên lịch ra mắt vào tháng 4, nhưng rồi cũng bị bộ phận kiểm duyệt "tuýt còi" và phải dời ngày ra mắt đến tháng 5.
Theo thông tin, bộ phim phải cắt bỏ một số cảnh hút thuốc và uống rượu
Nguyễn Cao Kỳ Duyên thủ vai Kim Anh, một nữ đại gia có cả tiền tài và địa vị trên thương trường. Mặc dù vậy, cô lại dành quá nhiều thời gian cho công việc và bỏ bê đứa con gái tên Nhi (Trương Quỳnh Anh). Hậu quả là Nhi trở thành cô gái nổi loạn với nhiều cuộc ăn chơi thâu đêm suốt sáng. Chưa đủ đau đầu với chuyện gia đình, Kim Anh còn phải đối mặt với âm mưu của Cường (Huỳnh Anh Tuấn), một doanh nhân với nhiều hoạt động kinh doanh phi pháp. Cường thuê tay giang hồ Hành (Quang Sự) để "dằn mặt" Kim Anh, nhưng rồi mọi chuyện lại diễn biến phức tạp hơn thế.
Theo một cuộc phỏng vấn gần đây với Lê Văn Kiệt, ban đầu anh định làm Nữ Đại Gia là một phim nghệ thuật để tham gia các liên hoan phim. Nhưng khi ra trường quay đạo diễn thấy khó có thể thực hiện nên chuyển thành một phim mang tính thị trường hơn. Qua đó kịch bản cũng bị chỉnh sửa nhiều lần, thay đổi liên tục trong hai năm.
Điều này dường như ảnh hưởng đến tinh thần chung của tác phẩm. Cũng theo Lê Văn Kiệt, nội dung của Nữ Đại Gia ban đầu là một câu chuyện trả thù thì về sau lại hướng đến tình mẹ con. Khi lên phim, hai yếu tố này dường như không ăn khớp với nhau, có cảm giác như người con bị lôi vào cuộc đấu trên thương trường của người mẹ một cách gượng ép. Hai nửa của phim như tách biệt hẳn với nhau.
Mâu thuẫn giữa hai mẹ con được khắc họa tốt
Nửa sau của phim có nhiều lỗi logic, cộng thêm một khuyết điểm quen thuộc phim Việt là "bày ra nhiều nhưng làm chưa tới". Đơn cử như nhân vật Hành xuất hiện ấn tượng, được ông trùm thuê với cái giá cực khủng, cứ tưởng hắn phải thực hiện chuyện gì ghê gớm lắm, thế nhưng không, đó là một việc tương đối đơn giản mà có lẽ đệ tử nào của Cường cũng làm được. Rồi tới cuộc đột nhập vào hẻm tưởng rất hoành tráng theo phong cách "heist" của Hollywood, nhưng rồi lại hơi "đầu voi đuôi chuột" khiến khán giả hụt hẫng. Người xem cũng có thể phải bật cười trước quan niệm đơn giản của các nhân vật trong phim, chỉ cần… ăn mặc đẹp là có thể một bước trở thành doanh nhân.
Sự lủng củng trong nửa sau của phim quả là đáng tiếc, nếu xét đến việc trong nửa đầu, đạo diễn đã thành công trong việc phát huy thế mạnh của bản thân. Cảnh người con ăn chơi rồi bị bắt, hay những cảnh khi Nhi và mẹ cãi nhau được thực hiện tinh tế, không "gồng mình" như một số phim Việt có cùng chủ đề. Một số đoạn khi truy đuổi trong hẻm tạo cảm giác kịch tính, thậm chí có phần rùng rợn, trên nền nhạc phim dồn dập. Nhưng cũng từ sau đoạn này, phim bắt đầu mất định hướng.
Quang Sự và Quỳnh Anh đều diễn xuất tốt
Dù là lần đầu đóng phim nhưng kinh nghiệm 25 năm trên sân khấu của Kỳ Duyên giúp cô dễ dàng chinh phục khán giả. Nữ MC nổi tiếng thể hiện được khí chất sang trọng của một nữ đại gia, và cũng diễn rất đạt trong những cảnh la mắng đứa con gái, dù bản thân cô chưa từng la mắng con mình ngoài đời. Nếu được trau dồi thêm về mặt kỹ thuật, Kỳ Duyên có thể thành công hơn nữa trong những vai diễn nội tâm, đặc biệt khi cô sở hữu chất giọng truyền cảm mà ít ngôi sao Việt Nam nào có được.
Dàn diễn viên còn lại đều diễn từ tròn vai đến tốt đến bất ngờ. Trương Quỳnh Anh diễn khá tự nhiên bên cạnh Kỳ Duyên, Huỳnh Anh Tuấn thể hiện được sự độc ác của một ông trùm, thế nhưng ấn tượng nhất phải nói đến Quang Sự. Trong vai tay giang hồ, anh đã thể hiện bước tiến lớn từ sau Để Mai Tính 2 hay Chung Cư Ma. Đặc biệt có cảnh nhân vật Hành đòi nợ thuê có thể xem là đáng nhớ nhất phim, và cũng làm toát lên được ngay tính cách của nhân vật.
Trong khi đó, Thúy Vinh và Thúy Hiền được thêm vào phim có lẽ chỉ để phục vụ cho những cảnh hành động. Cùng với Bùi Văn Hải (một võ sư nổi tiếng ngoài đời và từng góp mặt trong vài phim như Để Mai Tính hay Lửa Phật), hai chị em tạo ra những trường đoạn giao đấu mãn nhãn nhất phim. Thế nhưng sau những màn cận chiến đẹp mắt, khi chuyển sang đấu súng thì phim lại khiến khán giả phì cười bởi đám xã hội đen đứng như tượng, nã súng túi bụi vào… chỗ không người trước khi bị cảnh sát tóm gọn. Điểm này chắc không tính là spoil phim vì phim Việt Nam nào cũng thế, chưa xem cũng đoán được.
Trận chiến giữa hai chị em Thúy Vinh - Thúy Hiền
Nữ Đại Gia đánh dấu nỗ lực làm mới mình của Lê Văn Kiệt sau thành công trong những năm trước. Thế nhưng có thể nói đây là một trải nghiệm dang dở của đạo diễn với phần kịch bản còn nhiều lỗi. Đó là chưa kể đến phần thoại đôi khi nghe như dịch từ tiếng Anh sang. Tác phẩm này một lần nữa chứng tỏ câu triết lý kinh điển ở Hollywood "less is more", thà đưa ra ít vấn đề mà giải quyết triệt để như Dịu Dàng, còn hơn ôm đồm nhiều thứ để rồi tất cả đều hời hợt.