1. Đặt hôn nhân xuống phía sau
Khi cuộc sống trở nên phức tạp, thứ tự các ưu tiên của chúng ta cũng vì thế mà thay đổi theo. Công việc, con cái, cha mẹ, bạn bè, và trách nhiệm xã hội đều đòi hỏi chúng ta phải dành thời gian để chăm sóc và giải quyết, chính vì thế mà chúng ta có xu hướng đặt hôn nhân phía sau tất cả các nhu cầu khác.
Đi ngủ mỗi người một giờ và thức dậy không cùng nhau, những người vợ và chồng bỏ bê mối quan hệ của mình, quên đi rằng một thời người kia đã từng là ưu tiên số một của mình. Họ mải làm việc nhà, phân tâm với công việc của cơ quan, bận rộn chạy theo những đứa con, đặt mọi thứ lên trên và hôn nhân xuống dưới cùng. Sợi dây kết nối tình cảm giữa hai người ngày một yếu đi.
Tương tự như vậy với sự kết nối về thể xác. Né tránh với lý do mệt mỏi, hoặc sử dụng sự gần gũi như một vũ khí trừng phạt mỗi khi có bất đồng đều mang đến những tổn hại nặng nề. Thời gian chung sống dưới một mái nhà của vợ và chồng không giống như hai người bạn cùng phòng hoặc một cặp đồng cha mẹ. Hôn nhân là tình bạn, sự tin tưởng, là những tiếng cười, là sự chia sẻ nỗi đau và tạo dựng tình yêu. Những điều này chỉ có thể đến khi các cặp vợ chồng biết nuôi dưỡng mối quan hệ của mình.
2. Kỳ vọng vào những điều không thực tế
Nhiều người đàn ông và phụ nữ có những mong đợi và kì vọng sai lầm về hôn nhân. Sẽ không phải lúc nào cũng có nến, hoa và bữa tối lãng mạn. Nhiều ngày trong cuộc sống chung thậm chí còn rất khó khăn. Hai người sẽ phải hi sinh thời gian, sở thích và cảm xúc. Các cuộc tranh cãi sẽ xuất hiện và thỏa hiệp không phải lúc nào cũng là những món ngon dễ nuốt, thế nhưng những điều đó không có nghĩa rằng chúng ta sẽ bỏ cuộc.
Một số người khác lại ôm giấc mơ thay đổi người bạn đời của mình. Khi không đạt được điều mình muốn, họ tỏ ra thất vọng trong khi người kia lại tức giận vì cho rằng bạn không bao giờ chấp nhận những mặt tốt và những cố gắng thay đổi của họ. Thế nhưng, nếu chồng hoặc vợ không theo ý bạn muốn không có nghĩa rằng bạn đã sai lầm khi kết hôn với họ. Chúng ta càng sớm hiểu ra được vấn đề này, chúng ta càng nhanh chóng rời bỏ những kì vọng phi thực tế. Và thay vì tập trung thay đổi anh ấy/cô ấy, bạn hãy cố gắng để trở thành người vợ/chồng tốt nhất có thể.
3. Coi những việc vợ hoặc chồng làm là đương nhiên
Tuần trăng mật đi qua, chúng ta bắt đầu trở nên thân thuộc và gần gũi đến mức quên dần đi sự tôn trọng cần có với nhau. Những điều chúng ta đã từng đánh giá cao ở người kia giờ trở nên bình thường. Chúng ta quên nói cám ơn, quên bày tỏ sự biết ơn khi người kia làm điều gì cho mình, quên đi cảm xúc vợ chồng đã có và chúng ta đòi hỏi sự cống hiến, hi sinh về thời gian lẫn công sức của người kia như một chuyện đương nhiên.
Hôn nhân đòi hỏi sự biết ơn. Bạn không thể coi những việc làm của chồng và vợ là đương nhiên phải thế. Hãy dành thời gian mỗi ngày để tán thưởng và biết ơn những gì người kia đã làm cho mình, dù đó chỉ là một cử chỉ nhỏ.
4. Để tích tụ quá nhiều suy nghĩ tiêu cực
Tất cả các cặp vợ chồng đều có bất đồng. Điều quan trọng là tìm ra cách giải quyết một cách tích cực. Khi chúng ta cho phép những suy nghĩ tiêu cực tồn tại lâu trong quan hệ giữa hai người tức là chúng ta đẩy mình vào bóng tối của sự xung đột kéo dài, nơi đã tích tụ sẵn những mối đe dọa hôn nhân từ trước chỉ chờ thời điểm thích hợp để nổ tung.
Một số những hành vi tiêu cực mà đa số các cặp vợ chồng thường gặp phải khi tranh cãi là xúc phạm, xưng hô thiếu tôn trọng, đe dọa ly hôn, nghi vấn về hôn nhân, văng tục, trợn mắt, nhạo báng, đổ lỗi và nặng nhất là lạm dụng cả về thể chất và tinh thần. Chúng ta tranh cãi nhưng không biết cách nói lời xin lỗi, hoặc nếu nói thì bao giờ cũng kèm theo “nhưng…” ở đằng sau, rồi phủ nhận hoàn toàn lời xin lỗi của mình. Xung đột liên tục cùng giao tiếp thiếu tôn trọng khiến hai vợ chồng càng lúc càng xa rời và cảm thấy khó có thể tiếp tục chung sống với nhau.
5. Quên cách yêu thương
Hạnh phúc trong hôn nhân không thể được sinh ra từ một tình yêu ích kỷ. Việc liên tục hỏi “Anh đã làm gì được cho em?”, hay so sánh bạn đời mình với người khác là một kiểu tình yêu một chiều không bao giờ có thể phát triển và đơm hoa kết trái. Niềm vui thật sự của tình yêu chỉ đến khi chúng ta tự nguyện cho đi nhiều hơn là nhận về. Đó là khi chúng ta nhận ra rằng, việc làm cho chúng ta hạnh phúc, hay giải thoát chúng ta khỏi những thất vọng không phải trách nhiệm của người kia. Đừng hỏi những gì họ có thể làm cho mình, mà hãy hỏi xem mình đã làm gì cho họ.