Tapchisaoviet - Nhưng phụ nữ thông minh thì khác, không cần phải giàu có tài giỏi quá sớm, chỉ cần một người đàn ông nghiêng về cô ấy cả một đời mới là sự lựa chọn chính xác.
Nhiều bạn gái trong quá trình lựa chọn bạn đời đã lấy tiêu chí phải có hoàn cảnh xuất thân trong gia đình khá giả với mong muốn giảm bớt gánh nặng về cơm áo gạo tiền trong cuộc sống. Xét một góc độ, tiêu chí lựa chọn này cũng không có gì xấu, bởi ai cũng mong muốn có cuộc sống sang giàu, sung sướng. Nhất là trong thời đại kinh tế thị trường, nhu cầu vật chất ngày càng gia tăng. Do đó, không ít người đã chấp nhận bước vào những cuộc hôn nhân mà yếu tố kinh tế đi trước yếu tố tình yêu. Người có hoàn cảnh gia đình giàu có bao giờ cũng có điều kiện chiến thắng trong những cuộc đua tình cảm hơn cả. Hôn nhân xây dựng với hình ảnh một túp lều tranh hai trái tim vàng đã không còn là hình mẫu lý tưởng như trước đây.
Thế nhưng có một thực tế, hạnh phúc của những cuộc hôn nhân được lựa chọn theo tiêu chí hoàn cảnh gia đình ấy lại có phần chông chênh. Bởi người trong cuộc đã không hiểu hết ý nghĩa thật sự làm nên cũng như quyết định hạnh phúc thật sự của hôn nhân là gì.
Một cô gái trẻ đã từ bỏ mối tình sâu đậm với người bạn trai sau 8 năm yêu nhau chỉ vì gia đình anh khó khăn, để kết hôn với một thiếu gia con nhà giàu có. Nhưng rồi cuộc hôn nhân của cô đã đổ vỡ sau 5 năm chung sống.
Mang tiếng là làm dâu nhà giàu nhưng khi ly hôn, cô gần như tay trắng, cả quyền nuôi con cũng không được nhận. Cô cay đắng nhận ra sai lầm của mình là đã không đánh đồng giữa việc lấy chồng và lấy tài sản nhà chồng là một. Nhưng khi về chung sống, hai việc đó hoàn toàn khác nhau và không bao giờ "hòa làm một".
Chồng cô là mang danh thiếu gia con nhà giàu nhưng không có nghĩa anh ta có quyền quyết định tài sản của gia đình đang sở hữu. Bản chất thật sự, anh ta không có khả năng tự mình kiếm tiền mà chỉ dựa dẫm, sống phụ thuộc vào bố mẹ. Thoạt nhìn qua, chồng cô không làm cũng có tiền tiêu, có xe ô tô, sống trong nhà lầu, nhưng những thứ đó đều do bố mẹ cung cấp. Một khi bị cắt đứt nguồn cung cấp đó, anh ta cũng chỉ là một người vô sản, dễ bị ngã gục trong cuộc sống vì không có khả năng tự thân vận động. Do vậy, mang tiếng lấy chồng thiếu gia nhưng cô không sống trong nhung lụa người ta vẫn nghĩ, mà cũng phải trông chờ vào sự cung cấp của bố mẹ chồng.
Bản thân cô ở nhà nội trợ chăm con vì nghĩ làm dâu nhà giàu không cần đi làm cũng có ăn, có tiêu. Chồng cũng chẳng làm ra kinh tế. Kết quả, cuộc sống vợ chồng mâu thuẫn dẫn tới ly hôn. Ngày ra tòa, vợ chồng chẳng có chút tài sản riêng nào để chia vì tất cả đều là của bố mẹ chồng. Nhìn lại cuộc sống của người yêu cũ, cô thầm tiếc. Một người con gái khác đã không chê hoàn cảnh gia đình khó khăn của anh, đồng ý làm vợ anh. Họ đã cùng nhau xây dựng cuộc sống hôn nhân với xuất phát điểm không có gì. Nhưng giờ, họ đã tạo dựng một gia đình hạnh phúc, cuộc sống không giàu có nhưng vợ chồng luôn yêu thương nhau, con cái ngoan ngoãn. Ai nhìn vào cũng thầm ngưỡng mộ, mơ ước.
Kể ra câu chuyện này là muốn để bạn nhìn rõ hơn bản chất và sự khác nhau giữa việc lấy chồng hay lấy hoàn cảnh "tài sản" nhà chồng. Người phụ nữ kết hôn, người làm cho họ hạnh phúc là người chồng hiểu, yêu thương và tôn trọng họ. Đó cũng chính là ý nghĩa thật sự của hôn nhân. Còn nếu lấy chồng chỉ vì tài sản nhà chồng, người phụ nữ sẽ giống như người đi trên dây, không biết sẽ rơi bất cứ lúc nào. Đó cũng là lý do người ta ví von rằng "cơm nhà giàu rất khó nuốt".
Cũng không ngoại trừ, một số con dâu được sống hạnh phúc, hưởng vinh hoa phú quý nhờ "tài lộc" của gia đình chồng. Để có được điều đó, người con dâu đó phải là người khiến cho gia đình chồng, đặc biệt là bố mẹ chồng thật lòng yêu mến về cách ứng xử hoàn hảo trong cuộc sống, trình độ, nhận thức có thể mang lại niềm tự hào cho họ.
Vì thế, bạn hãy kết hôn với người đàn ông sẽ cùng mình chia sẻ mọi buồn vui, vượt qua mọi sóng gió trong cuộc sống, thay vì ảo tưởng về số tài sản của nhà chồng vốn dĩ không thuộc về mình.