Tapchisaoviet - Mỗi lần lên giường anh ấy không quên “giảng giải” cho vợ phải làm thế nào mới đạt được cảm xúc. Đôi khi anh ấy mải “giảng bài” nên quên mất cả việc “trả bài”.
Công nhận là chồng tôi có khả năng “sư phạm” trong mọi lĩnh vực, trừ “chuyện ấy”. Ngày xưa, tôi còn là cô học sinh lớp 12 ngây thơ trong sáng, thích học văn. Thầy giáo dạy văn còn rất trẻ, dường như mới ra trường và chỉ hơn học sinh 4-5 tuổi.
Những cô học sinh mơ mộng trong lớp đều nghe như nuốt từng lời thầy giảng, không chỉ bởi giọng nói truyền cảm, mà còn bởi vẻ điển trai của thầy. Hồi ấy nhiều cô học trò ngẩn ngơ vì thầy. Tôi thích cách dạy của thầy nhưng cũng không đến nỗi phải lòng thầy như hơn nửa số học sinh nữ trong lớp. Nhưng những đề văn thầy đưa ra tôi đều làm rất say sưa và đúng ý thầy. Bài nào cũng được thầy khen trước lớp và được điểm cao.
Sang học kỳ 2 lớp 12, tôi luôn cảm nhận được sự ưu ái mà thầy dành cho tôi. Trong những buổi ôn thi, thầy luôn dặn tôi ở lại chờ thầy, rồi chú ý cho tôi một vài điều trong cách hành văn, phân tích, bình luận tác phẩm. Những khoảng khắc chỉ có hai thầy trò, tôi luôn cảm thấy hồi hộp. Tuy nhiên thầy chỉ làm tròn trách nhiệm của người thầy với cô học trò mà thầy yêu quý nhất, không tỏ thái độ gì khác lạ.
Nhưng cũng chính vì sự nhiệt tình ấy lại khiến trái tim tôi xao động. Hết mùa thi năm ấy, tạm biệt ngôi trường thân thương, người tôi lưu luyến nhất lại là thầy. Lúc chia tay, thầy dặn tôi thi xong phải gọi điện báo kết quả cho thầy.
Năm đó sau ngày thi, tôi làm bài rất tốt, vì quá vui mừng nên quên khuấy việc gọi cho thầy, đến lúc nhớ ra thì chẳng biết tờ giấy ghi số điện thoại nhà thầy để ở đâu. Về nhà thì thầy đã nghỉ hè và về thầy về quê. Sau đó tôi lên đường nhập học, không còn liên lạc với thầy.
Vào học kỳ hai năm thứ nhất, tôi nhận được một lá thư tay của thầy. Thầy mừng vì tôi đã thi đỗ đại học, tuy hơi trách móc vì tôi không còn nhớ thầy. Tôi viết thư trả lời thầy… rồi cứ thế, những lá thư tay theo tôi suốt hai năm đại học. Năm thứ 3, tôi nghỉ hè về nhà và gặp được thầy. Khi ấy chúng tôi không còn giống như thầy trò nữa. Tôi cảm thấy mình đã lớn, đã già theo cách suy nghĩ của tôi, còn thầy thì vẫn như xưa.Khoảng cách thầy trò dường như đã rất ngắn.
Và cũng vào mùa hè năm đó, dưới tán phượng cuối mùa trong sân trường vắng, thầy nói rằng thầy sẽ đợi tôi. Cái từ “đợi” này khiến tôi xao động hơn bất cứ lời tỏ tình hay hứa hẹn nào. Và mặc định, tôi yêu thầy từ đó. Ra trường tôi trở về ngôi trường cũ và trở thành một cô giáo. Khi đó, thầy – anh yêu của tôi đã là hiệu phó của trường.
Hơn một năm sau chúng tôi kết hôn. Anh nhận chức vụ Hiệu trưởng, anh là sếp của tôi. Có lẽ tình yêu mầu hồng không còn hiện hữu nữa khi mỗi ngày chúng tôi phải ở cạnh nhau gần 24 giờ.
Giờ trên lớp, giờ về nhà, đều như hình với bóng. Những kỷ niệm cũ theo năm tháng và những nhọc nhằn chuyện con cái, gia đình mà phai nhạt đi, nhưng anh thì vẫn cứ nhớ mãi. Mỗi lần chúng tôi cãi nhau, anh đều nhắc lại cái “ngày xưa thầy và trò” đầy kỷ niệm ấy.
Có lẽ là quá dài dòng khi ôn lại những kỷ niệm xưa cũ, nhưng khúc mắc lớn nhất mà chúng tôi gặp phải trong cuộc sống của mình lại chính là một chuyện vô cùng “khó nói”. Phải công nhận rằng sau khi anh nhận chức Hiệu trưởng, anh nói nhiều hẳn lên. Ở trên trường, trong cuộc họp, anh có thể “quán triệt” nhân viên của mình hàng tiếng đồng hồ.
Về nhà anh cũng nói nhiều và động đến bất cứ vấn đề gì là anh lại giảng giải từ gốc đến ngọn. Anh luôn giữ tư thế là “sếp”, còn tôi thì vẫn là cô học trò ngoan và là nhân viên của anh, luôn biết vâng lời. Ngay cả trong “chuyện ấy”, anh cũng “lên lớp” vợ phải làm thế này hay thế kia. Tôi luôn bị áp lực ngay cả khi ngủ với chồng, bởi anh là người thích ra lệnh, còn tôi buộc phải tuân theo.
Nếu muốn gì, là anh nói ngay: “Anh không thích kiểu này đâu, chán lắm”, hoặc: “làm thế này thích hơn, lần sau cứ thế nhé”.
Dường như từ trước đến nay tôi toàn phải đi đường một chiều mỗi khi làm chuyện ấy. Anh muốn thế nào thì tôi chiều thế ấy, mà không chiều cũng không được vì chỉ loay một lúc là “thầy” lại ra lệnh và “quán triệt”. Mãi rồi cũng quen, nhưng sau này khi sinh con và có tuổi thêm một chút, tôi không còn dễ tính như trước.
Những điều tưởng như có thể chiều được nhau thì giờ lại không dễ chấp nhận. Tôi thường xuyên bị ức chế mỗi khi chồng “trả bài”. Thế nhưng ngay sau đó, khi tôi tỏ thái độ, anh lại dùng những lời ngon ngọt hoặc những cử chỉ lãng mạn để dẫn dụ. Có lần tôi giận suốt một tuần, anh đã làm cho tôi bất ngờ vì dán đầy phòng ngủ những lời yêu thương khi tôi trở về nhà.
Gần đây những đồng nghiệp nữ của tôi hay bàn tán về chuyện gối chăn vợ chồng, đề tài này đã được bàn tán công khai. Nhiều người quan điểm rằng, phụ nữ mà không tìm cách thỏa mãn chuyện ấy thì rất thiệt thòi, coi như chỉ tìm được một nửa của sự hạnh phúc. Và bây giờ người ta có thể trò chuyện công khai với người bạn đời để giải quyết những khúc mắc trong “chuyện ấy”.
Tôi thoáng nghĩ đến ông chồng là sếp của mình mà ái ngại. Anh ấy khá bảo thủ, liệu có thể nói những chuyện như thế mà không bị anh ấy phật ý không? Cuối cùng, suy nghĩ mãi, tôi quyết định viết một bức thư rồi gửi email cho anh vào một ngày đặc biệt. Sau khi đọc bức thư ấy, anh nói với tôi: “Sao em không nói sớm hơn, anh cứ tưởng anh là đỉnh rồi chứ”. Tôi bảo với anh rằng: “Anh luôn là đỉnh, còn giờ em muốn “lên đỉnh””. Và lần đầu tiên tôi thấy ông “sếp” của tôi nói “Tuân lệnh”.