Tintuc - Sau phần thể hiện của 12 thí sinh bảng phổ thông, Tập 3 Én Vàng Học Đường 2020 vừa lên sóng tối qua ngày 01/11 đã mang đến những phần thi ấn tượng của 6 thí sinh đầu tiên thuộc bảng giảng đường.
Đầu tiên là phần thể hiện Tôi là ai của thí sinh Huỳnh Nhật Hào sinh năm 2000. Chàng sinh viên Đại học Tôn Đức Thắng hạnh phúc khi nói về cái tên đầy ý nghĩa mà ông ngoại đã đặt. Tự nhận có máu nghệ sĩ, Nhật Hào tham gia hầu hết loại hình từ ca hát, nhảy múa đến diễn kịch. Đặc biệt, anh chàng ước mơ trở thành một người dẫn chương trình chuyên nghiệp trong tương lai. Chính vì thế, anh đến với Én Vàng Học Đường 2020 với tâm thế “biết người biết ta”. Nói về 1 thất bại trong quá khứ, chàng trai này kể về kỳ thi học sinh giỏi năm lớp 9. Được bạn bè, người thân tin tưởng thế nhưng Nhật Hào lại không mang về kết quả như mong muốn. Nguyên nhân là do ảo tưởng bản thân là số 1. Kể từ đó, anh mới nhận ra rằng tự tin là cần thiết nhưng phải được đặt ở đúng chỗ và đúng thời điểm.
Tiếp đến là phần giới thiệu của Lê Hải Đăng đến từ Tây Ninh. Nam sinh sinh năm 2000 đặt mục tiêu chinh phục ngôi vị cao nhất của Én Vàng Học Đường 2020. Chàng sinh viên trường Đại học Tôn Đức Thắng cho phép bản thân “kiêu ngạo” trong thời điểm này vì trước đây, Hải Đăng là một người luôn tự ti. Tham gia nhiều cuộc thi về MC nhưng không gặt hái được bất kỳ thành tích nổi bật nào, Hải Đăng sợ cầm chiếc micro. Thế nhưng sau khi đấu tranh với bản thân, một lần nữa nam thí sinh đến từ Tây Ninh bỏ qua mặc cảm, sự tự ti để đăng ký tham gia cuộc thi để phá bỏ rào cản của chính bản thân mình.
Thí sinh Bồ Khánh Linh hiện đang là sinh viên trường Đại học Sư phạm TP.HCM. Anh chàng tự nhận sở hữu tài trí và quyết tâm cao độ của tuổi thìn. Từng được mọi người áp đặt vào hình ảnh “con nhà người ta”, thế nhưng Khánh Linh lại gây thất vọng cho gia đình, những người thân khi từ chối 2 suất học bổng du học. Sau tất cả, anh chàng đã sửa sai bằng thành tích học tập năm nhất đại học tại trường Đại học Sư phạm TP.HCM. Nam thí sinh đang trên đường thực hiện ước mơ trở thành một thầy giáo.
Tiếp đến là phần thể hiện của thí sinh Nguyễn Trọng Nghĩa sinh năm 2000. Chàng sinh viên trường Đại học Khoa Học Xã Hội và Nhân Văn TP.HCM kể về 3 điều mà anh chàng tự ý làm được liên quan đến chiếc đồng hồ, đôi bông tai và quyết định của bản thân khi tham gia cuộc thi. Thế nhưng 3 món đồ này cũng đại diện cho 3 giới hạn mà chàng trai này đang gặp phải. Đầu tiên là giới hạn về thời gian. Thứ hai là cái nhìn thiếu thiện cảm của nhiều người qua đôi bông tai mà Trọng Nghĩa đang mang. Giới hạn cuối cùng cũng là thất bại của Trọng Nghĩa đó là anh chàng có khán giả từ xã hội nhưng không có khán giả từ gia đình. Anh chàng mong bản thân sẽ bứt phá, chinh phục ước mơ bản thân và hơn hết là sở hữu cho mình những khán giả của gia đình dù chỉ là 1 người.
Thí sinh Nguyễn Thùy Linh đến từ Hà Nội cũng có phần thi khá ấn tượng. Nữ sinh sinh năm 2000 chia sẻ đặc quyền của tuổi trẻ là được phép mắc sai lầm. Lý giải điều đó, nữ sinh viên Học Viện Thanh Thiếu Niên Việt Nam cho rằng sau những lần mắc lỗi, mọi người sẽ trường thành và hoàn thiện hơn sau những lời góp ý. Nói về thất bại, Thùy Linh buồn vì những lời chê bai mình không thể trở thành MC truyền hình. Chính vì thế cô nàng tự ti và bỏ lỡ cuộc thi ở những năm trước. Sau tất cả, vượt qua mặc cảm bản thân và khoảng cách địa lý, nữ thí sinh đến với chương trình để chinh phục những thử thách mới và học thêm những trải nghiệm mới.
Cuối cùng là phần giới thiệu của thí sinh Trần Thị Tố Như đến từ trường Đại học Hoa Sen. Nữ sinh sinh năm 1999 tự nhận yêu thích cuộc sống màu hồng, thích những thứ lung linh và lấp lánh. Nhiều người cho rằng buồn bã, khóc lóc không phải là đặc điểm mà sinh viên ngành tâm lý học nên có khi kết thúc một cuộc tình và họ gọi đó là thất bại, ngốc nghếch. Nhưng với Tố Như, người thất bại không phải kẻ ngốc nghếch mà người thất bại là người chưa biết cách đặt sự ngốc nghếch đúng nơi, đúng chỗ.
Kết thúc vòng 1, các thí sẽ được bắt cặp ngẫu nhiên để thể hiện quan điểm về 1 vật dụng bất kỳ. Đồng thời cả 2 sẽ cùng tranh luận và bảo vệ quan điểm của chính mình.
Đầu tiên là phần đối đầu của Trọng Nghĩa và Khánh Linh. Trọng Nghĩa chọn nói về thẻ sinh viên như một công cụ định danh. Ngoài ra, thẻ sinh viên còn được tích hợp chức năng như một thẻ ngân hàng. Đối với Trọng Nghĩa, thẻ sinh viên còn là cơ hội, lá đơn để anh chàng sống và cống hiến hết mình cho những hoạt động ý nghĩa trong mùa đại dịch. Khánh Linh mang đến kỷ vật ghi nhận quá trình cống hiến cho cộng đồng đó là chiếc áo mùa hè xanh. Không còn những chuyến đi như mọi năm thế nhưng mùa hè xanh trong mùa dịch lại rất thức thời. Màu xanh của chiếc áo còn đại diện cho hy vọng, nhiệt huyết của tuổi trẻ. MC Thanh Thảo cho biết chỉ thật sự ấn tượng với Khánh Linh khi bước qua phần tranh luận. Riêng Trọng Nghĩa, nữ giám khảo khen anh chàng sở hữu nhiều lợi thế tuy nhiên cần bình tĩnh hơn. MC Liêu Hà Trinh góp ý 2 thí sinh nên điều phối năng lượng hợp lý hơn. Thầy Đỗ Hữu Nguyên Lộc cần thí sinh mạnh mẽ bảo vệ quan điểm hơn là những “hoa hậu thân thiện”. MC Phương Hiếu cần thí sinh liên hệ thực tế nhiều hơn. Thầy Huỳnh Thanh Phú khen 2 thí sinh lựa chọn chủ đề thú vị nhưng cần nhìn rộng và xa hơn.
Tiếp theo là cặp đối đầu Thùy Linh và Nhật Hào. Thùy Linh mang đôi giày được mẹ tặng lên sân khấu. Khi gặp thất bại, Thùy Linh nhận được món quà này kèm với lời nhắn nhủ “ai rồi cũng phải bước tiếp”. Nó như một lời nhắc nhở, tiếp sức cho nữ thí sinh vượt qua những khó khăn và thất bại. Nhật Hào mang đến chiếc tông đơ của ba. Ngoài công dụng hớt tóc, theo Nhật Hào tông đơ còn mang ý nghĩa tiến về phía trước với mục tiêu rõ ràng. MC Phương Hiếu cảm thấy thú vị với chủ đề, sự phối hợp của 2 thí sinh. MC Thanh Thảo thích sự điềm tĩnh, vững chãi và không gấp gáp của Nhật Hào. Sự nữ tính, xinh xắn và cách truyền tải của Thùy Linh thuyết phục được nữ giám khảo. Tinh thần học hỏi và cầu thị của 2 thí sinh lấy được cảm tình của thầy Đỗ Hữu Nguyên Lộc.
Hải Đăng và Tố Như là cặp đôi cuối cùng bước vào phần thi. Tố Như chọn chiếc khóa kéo với công dụng liên kết những vật thể rời rạc lại với nhau, che đậy những điều mình muốn che đậy. Cuối cùng, nữ thí sinh mang đến chiếc khóa kéo để kéo những bí mật khoa học kỹ thuật trong tương lai. Thí sinh Hải Đăng chọn nói về cây đèn dầu với ngọn lửa cháy mãi giống như lửa lòng của con người Việt Nam. MC Thanh Thảo cho biết chị chưa cảm thấy thuyết phục bởi khóa kéo mà Tố Như lựa chọn và mối liên hệ giữa khóa kéo với tương lai. Về hình ảnh đèn dầu, nữ giám khảo cho rằng nó quá cũ và không mang lại nhiều bất ngờ. Thầy Huỳnh Thanh Phú tiếc vì 2 thí sinh lựa chọn vật dụng đơn giản đến mức hời hợt. MC Liêu Hà Trinh nhận định Tố Như chưa sử dụng hết tiềm lực và Hải Đăng chưa sử dụng hết chất của mình.
Tại vòng 3, các thí bốc thăm ngẫu nhiên thứ tự đứng và nhận được cùng 1 chủ đề. 6 thí sinh phải trải qua 3 lượt thi. Lượt 1, mỗi thí sinh có 30 giây để cung cấp thông tin về chủ đề đó theo thứ tự đứng từ 1 đến 6. Ở lượt 2 và 3, thí sinh không nói theo thứ tự đứng mà theo sự sắp đặt ngẫu nhiên dựa vào tín hiệu ánh sáng. Thông tin thí sinh đưa ra phải có ý nghĩa, liên quan đến chủ đề hoặc liên kết thực tiễn đời sống. Nếu thí sinh không thể trình bày trong 5 giây liên tục, micro sẽ bị tắt và thí sinh đó mất lượt.
Chủ đề của 6 thí sinh tập 3 là tỉ lệ vàng (φ). Từ những định nghĩa đơn thuần trong toán học các thí sinh đã liên kết với thực tiễn đời sống một cách thú vị qua góc nhìn đầy sáng tạo. Nó có thể là đại diện cho tính thẩm mỹ và tính cân đối tự nhiên của tạo hóa. 1 trong các thí sinh cho rằng tỉ lệ vàng là ước mơ về cái đẹp của con người. Hơn hết, nó còn cho con người mục đích để cố gắng.
Tập tiếp theo của Én Vàng Học Đường 2020 sẽ phát sóng lúc 20h45 thứ Bảy ngày 07/11 trên kênh HTV9. Chương trình do Đài Truyền hình TP.HCM và công ty Truyền thông Khang phối hợp sản xuất với sự tài trợ của thương hiệu thời trang Kim.