Tintuc - Từng là sinh viên ưu tú của một khóa đào tạo diễn viên điện ảnh, song chàng sinh viên Nguyễn Đạt Phi năm đó dường như tìm được “lý tưởng” của cuộc đời khi bước sang ngành lồng tiếng.
Chưa từng xuất hiện nhiều trước màn ảnh hay trước công chúng nhưng một khi nhắc đến ngành công nghiệp lồng tiếng phim, dường như Đạt Phi luôn là cái tên được không ít khán giả ưu tiên nhắc đến. Cùng quay ngược lại khoảng thời gian 20 năm trước đây, thời mà những bộ phim ngoại như Hồng Kông, Đài Loan bắt đầu “làm mưa làm gió” tại thị trường phim ảnh của Việt Nam, các bộ phim đấy luôn được các thế hệ 8x vô cùng yêu thích. Và khi nhắc đến những tác phẩm đấy, không thể nào không nhắc đến “Phù thủy lồng tiếng” Đạt Phi, người đã tham gia lồng tiếng, thổi hồn cho không biết bao nhiêu nhân vật mang đến những bộ phim thú vị cho quý khán giả. Có thể nói, chính Diễn viên lồng tiếng Đạt Phi là người đã kiến tạo nên cả một tuổi thơ đa màu sắc cho các bạn trẻ thế hệ 8x.
Một “Phù thủy” chính hiệu của ngành lồng tiếng, một người thầy đã truyền đạt và đào tạo nhiều thế hệ lồng tiếng cho ngành phim ảnh của Việt Nam, nhưng ít ai biết được xuất phát đầu tiên của anh lại chính là theo đường diễn viên điện ảnh chuyên nghiệp. Đạo diễn chia sẻ, anh từng là một sinh viên ưu tú thuộc khóa đào tạo diễn viên điện ảnh. Tuy nhiên khi đã phát hiện được “đam mê” của mình đang nằm ở đâu? Đạt Phi bắt đầu rẽ hướng và đeo đuổi con đường ấy đến cùng, một tuổi trẻ với biết bao hoài bão và sáng tạo, biến những điều không thể trở thành có thể.
Khi xưa, anh đã từng học và theo đuổi để trở thành một diễn viên điện ảnh. Thế nhưng, cơ duyên nào đã khiến anh quyết định rẽ hướng sang con đường trở thành một diễn viên lồng tiếng chuyên nghiệp?
Anh là một người rất mê được đóng phim, nên mới quyết chí đi thi trường điện ảnh. Mà lúc đó, chỉ có ở trong trường Nghệ thuật sân khấu 2 mới có khóa đào tạo diễn viên điện ảnh. Trước đây anh tự nhủ, nếu không thể theo học ở môi trường nghệ thuật nào, anh sẽ đăng ký đi lính. Một là điện ảnh, hai là đi lính, chứ không còn nghề nào phù hợp với anh.
Và rất may khi vừa mới tốt nghiệp lớp 12, có một khóa tuyển diễn viên điện ảnh đã bắt đầu chiêu sinh. Họ đi về miền tây tổ chức tuyển ở 9 tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long. Trải qua ba vòng sơ khảo đã chọn ra được 10 người, trong đó may mắn có anh là đại diện của Vĩnh Long. Sau đó 10 người được chọn tiếp tục lên Sài Gòn thi với 900 thí sinh nữa để chọn ra tiếp 20 người xuất sắc nhất. Thật may mắn là bản thân có thể trụ lại đến cùng.
Sau năm học thứ 1, anh vẫn được xem là một sinh viên ưu tú của khóa. Tuy nhiên lúc đấy bản thân chợt nhận ra, để trở thành một Nguyễn Chánh Tín hay một Thương Tín thời đấy, ngoài thực lực thì bạn cũng cần phải có một sắc vóc đẹp, ngoại hình đẹp. Mà những điều kiện đấy, anh tự thấy rằng mình không đạt và sẽ không thể nổi tiếng được như họ nên cũng rất hoang mang. Lúc đó, cô chủ nhiệm dẫn cả lớp đi xem lồng tiếng phim – Tình khúc 68, anh chợt phát hiện đây chính là con đường sau này của mình. Dù cho bất cứ lĩnh vực nào của điện ảnh cũng được, trong bóng tối cũng được, chỉ cần bản thân tiếp tục cống hiến cho nghệ thuật là được.
Tuổi trẻ một khi đã đam mê bất cứ thứ gì đều muốn theo đuổi cho đến cùng. Anh bất ngờ từ bỏ con đường trở thành một diễn viên điện ảnh, rẽ sang lĩnh vực lồng tiếng. Anh có cảm thấy đây là một sự thất bại?
Không phải anh từ bỏ mà chỉ là rẽ sang một hướng khác. Anh từ trước đến nay chưa bao giờ từ bỏ bất cứ một thứ gì trong ước mơ của mình. Tuy nhiên, bản thân bất kỳ ai cũng phải biết thế mạnh của mình ở đâu? Lĩnh vực điện ảnh không chỉ có mỗi tài tử điện ảnh, mà nó còn có rất nhiều hướng rẽ khác. Và khi nhìn vào công việc lồng tiếng, thì anh biết đây chính là đất sống của mình, là con đường mà mình mơ ước được hóa thành nhiều vai diễn khác nhau.
Lúc đấy, ngành phim ảnh của nước ta vẫn còn khá nhiều hạn chế. Có những lúc nào anh cảm thấy chán nản, muốn từ bỏ vì nghề lồng tiếng vì nó chưa bao giờ mang lại ánh hào quang?
“Nhất nghệ tinh nhất thân vinh”, nếu mình thấy đam mê con đường nào đó thì hãy cố gắng đi theo nó đến cùng, phải làm cho thật tốt thì chắc chắn nó sẽ trở lại nuôi sống bản thân mình. Mặc dù thời điểm đó, điện ảnh Việt Nam thật sự chưa phải là một mảnh đất màu mỡ. Lồng tiếng cũng là một nghề cống hiến cho ngành nghệ thuật, nhưng ở phía sau màn ảnh. Khi bạn mang vinh quang lại cho nhân vật, cũng chính là đang mang lại vinh quang cho bản thân mình. Rồi một lúc nào đó mọi người sẽ biết đến bạn, cho đến cuối cùng, con đường mà bạn chọn chưa bao giờ là thất bại cả.
Có lẽ vào thời đấy, ngành lồng tiếng cũng chưa được quan tâm và phát triển ở Việt Nam? Những bước đi đầu của anh sang con đường lồng tiếng chuyên nghiệp bắt đầu như thế nào?
Lúc đó Nhà Văn Hóa Thanh Niên cần một người am hiểu điện ảnh để về vực dậy, cũng như phát triển nền điện ảnh ở đấy. Thời năm 1889, nó là một rạp chiếu phim nhưng rất ế. Nhiệm vụ của anh lúc đó là phải làm sao để khi người ta nhắc về điện ảnh là phải nhắc đến Nhà Văn Hóa Thanh Niên. Nó thật sự là một nhiệm vụ vô cùng khó khăn trong thời điểm đó. Thế nhưng chỉ sau một tháng anh đã làm được.
Ban đầu, anh đi khắp Sài Gòn để tìm hiểu khán giả thích gì? Lúc bấy giờ, mọi người thích xem phim Hồng Kong mà rạp phim nào cũng chiếu theo kiểu đó, nếu mình làm như họ thì sao cạnh tranh được. Sau đó, anh lân la đi mua băng đĩa các tác phẩm kinh điển của thế giới như Thằng gù nhà thờ Đức Bà, Cuốn theo chiều gió… Và rồi sau đó, các mặt báo tràn đầy thông tin Nhà Văn Hóa Thanh Niên sẽ chiếu loạt phim phỏng theo tác phẩm văn học, những bộ phim đạt giải Oscar thế giới… Các bộ phim mang về đều là anh tự đọc thuyết minh. Tiếp theo là tạo hiệu ứng đám đông, anh mang vé mời đến tất cả các sinh viên ở các trường đại học lớn. Từ đó về sau, mọi người đổ xô đi coi phim liên tục như vậy suốt 7 năm liền. Anh phụ trách mảng điện ảnh 7 năm ở đó, bắt đầu tự đọc và tự học, sau đó mới bước sang lồng tiếng chuyên nghiệp.
Có một hãng phim ATV chuyên thầu các tác phẩm phim của Hồng Kông du nhập vào Việt Nam, đã đặt hợp đồng với anh. Khi đó, Nhà Văn Hóa Thanh Niên cũng đã vững mạnh, anh bắt đầu làm cho cả hai nơi. Từ năm 1997 – 1998, anh mới rời khỏi Nhà Văn Hóa Thanh Niên và làm hẳn cho ATV, bắt đầu con đường lồng tiếng từ đó và kéo dài đến hiện tại.
Sau khi trở thành một diễn viên lồng tiếng chuyên nghiệp, ít ai biết rằng đam mê được xuất hiện trước ống kính của đạo diễn lồng tiếng Đạt Phi không biết từ khi nào đã trổi dậy lần nữa. Cơ duyên đưa đẩy, lúc này lời mời tham gia đóng phim còn nhiều hơn so với khi còn theo học trường Điện Ảnh. Sau đó, anh đã nhận lời tham diễn trong khá nhiều bộ phim Việt như Nhịp Đập Trái Tim, Mộng Phù Du,… Tuy nhiên, càng đóng phim anh lại càng nhớ công việc lồng tiếng của mình. Thế là công việc lồng tiếng tiếp tục gắn bó với anh đến mãi sau này.
Trong khi Sài Gòn vẫn còn lệ thuộc vào một nhóm lồng tiếng cố định ở những năm 2010 thì Đạo diễn lồng tiếng Đạt Phi đã trở thành người tiên phong đào tạo ra những chất giọng cho riêng mình. Anh bắt đầu tìm kiếm những chất giọng phù hợp, đào tạo học trò mới để cùng anh chinh chiến ở khắp các dự án điện ảnh lớn nhỏ. Để tránh việc mang phong cách phim bộ lên màn ảnh lớn, anh luôn không ngừng tìm tòi và học hỏi những phương thức lồng tiếng mới. Đặc biệt thay đổi quan điểm lồng tiếng từ truyền thống sang kiểu rất đời thường, tự nhiên như hơi thở. Để làm được điều đó, các diễn viên lồng tiếng phải học được cách quan sát cuộc sống, quan sát những điều nhỏ nhặt nhất. Từ đó tận dụng vốn sống để áp dụng và hoá thân vào nhân vật.
Là một bậc thầy lồng tiếng từng dẫn dắt nhiều lớp trẻ, anh nghĩ rằng các hậu bối có đủ tố chất và trình độ để kế thừa thế hệ trước không?
Thời đó, thị trường phim ảnh nổi bật nhất chính là ATV, TVB, và San Yang. Mọi người làm việc theo ekip, mà con người ta có tinh thần bảo vệ người của mình, nên các nhóm lồng tiếng ít khi thay đổi các thành viên, chính lẽ đó mà không có nhiều bạn trẻ lọt vào được. Thế hệ các diễn viên lồng tiếng trước đây đã là một huyền thoại, dấu ấn trong lòng khán giả rất sâu đậm nhưng không phải là không có sự thay thế. Hiện nay, thị trường phim ảnh mở rộng, khán giả có quá nhiều sự lựa chọn nên diễn viên lồng tiếng cũng như rừng như hoa. “Nếu như nói các bạn trẻ thời nay không bằng hồi xưa thì anh lại thấy hoàn toàn ngược lại, thậm chí anh còn ngưỡng mộ họ không chỉ ở chất giọng thiên hình vạn trạng mà họ còn rất đa tài. Ngoài lồng tiếng còn đảm nhận nhiều công việc khác nhau như cuộc thi Thanh Âm Quyền Năng có rất nhiều chất giọng hay, các bạn đều rất giỏi”.
Đạo diễn Đạt Phi nắm trong tay rất nhiều dự án điện ảnh, thời gian rảnh chắc không nhiều, vậy thì lý do nào khiến anh đồng ý tham gia Thanh Âm Quyền Năng?
Tuy nói rằng bản thân chưa bao giờ cảm thấy chạnh lòng khi mình là người phía sau màn ảnh nhưng khi có một chương trình tôn vinh nghề lồng tiếng, giúp khán giả hiểu được thế nào là một công việc lồng tiếng thực thụ, anh rất hãnh diện. Hơn nữa, chương trình này còn giúp người xem thấy được năng lực của thế hệ diễn viên lồng tiếng hiện nay, họ đều là những nhân tố rất có tiềm năng.
Không chỉ vậy, qua chương trình khán giả cũng sẽ thấy được thẫm mỹ lồng tiếng hiện nay so với trước kia hoàn toàn không giống nhau. Nếu thời đại của anh, chỉ cần một chất giọng đẹp thôi là đủ thì hiện tại một diễn viên lồng tiếng còn cần nhiều hơn thế. Họ phải có năng khiếu, có đam mê cùng vô số kĩ thuật và sự linh hoạt trong giọng nói. Hiện tại so với một chất giọng đẹp thì một chất giọng phù hợp với nhân vật sẽ càng được ưu tiên – “Đối với điện ảnh Mỹ giọng đẹp không phải là một lời thế, những nhân vật Mỹ đen giọng đâu đẹp, đấy không phải là điều quan trọng, quan trọng có hợp hay không hợp”.
Hiện nay, trong các dự án điện ảnh bom tấn thường có sự góp mặt của người nổi tiếng, có phải các tác phẩm nghệ thuật đang thương mại hóa? Nếu ngày một nhiều những minh tinh tham gia lồng tiếng thì các bạn trẻ có còn đất để dụng võ?
Việc mời nghệ sĩ lồng tiếng cho phim không phải để câu view mà do chính yêu cầu từ hãng sản xuất phim ở nước ngoài. Vì ở bản gốc, chính các minh tinh là người lồng tiếng cho các nhân vật trong phim, nên việc các nhà sản xuất yêu cầu Việt Nam chúng ta chọn ra các nghệ sĩ để lồng cho phim cũng là một chuyện dễ hiểu. Nhưng không vì vậy mà anh lơ là chất lượng bộ phim, tất cả nghệ sĩ đều phải casting, vượt qua vòng chuyên môn mới có thể nhận được vai phù hợp. Ngoài ra, các bạn trẻ không cần quá lo lắng về vấn đề này, vì không phải phim nào cũng mặc định là phải có người nổi tiếng, chỉ cần là chất giọng phù hợp với nhân vật thì bạn đều có cơ hội. Hơn nữa, chỉ cần bạn có quyết tâm và thực lực, sợ gì không có đất dụng võ – “Chỉ cần bạn làm tốt công việc của bạn, chúng tôi tự khắc sẽ tìm đến bạn”.
Sau một cuộc trò chuyện dài, Đạo diễn lồng tiếng Đạt Phi còn tiết lộ những hoạch định sắp tới của mình. Ngoài các bộ phim điện ảnh của Disney, anh còn cho ra mắt dự án phim hoạt hình về lịch sử Việt Nam có tên Quyết Chiến Bạch Đằng Giang, nói về vị tướng lĩnh tài ba Trần Hưng Đạo. Không chỉ vậy, đạo diễn lồng tiếng Đạt Phi còn đang ấp ủ ước mơ lớn nhất đời mình, đó chính là mở một Học viện lồng tiếng, nơi đào tạo bài bản và chỉn chu về nghề lồng tiếng. Với hoài bão to lớn đó, không chỉ người yêu điện ảnh mà còn vô số các tài năng lồng tiếng hay người có chất giọng đẹp đều đang hi vọng Việt Nam sẽ có một nơi như thế.
Đón xem Thanh Âm Quyền Năng được phát sóng vào lúc 20g25 thứ Sáu hàng tuần trên kênh HTV7.