06:30 | 30/11/2020

Cảm thương trước hoàn cảnh khó khăn của cụ bà U90 một mình nuôi ba cháu mồ côi

Tintuc - Tập 7 Tiếng Rao 4.0 vừa lên sóng là câu chuyện đầy xúc động về cuộc đời của cụ bà Tô Thị Y mưu sinh bằng gánh tàu hũ tại thành phố Cà Mau. Điều cụ Y mong ước bây giờ là có sức khỏe để chăm lo cho ba đứa cháu tội nghiệp.

Cụ bà U82 tuổi còng lưng đẩy xe tàu hũ mưu sinh nuôi ba cháu

Ở cái tuổi “gần đất, xa trời” nhưng cụ Tô Thị Y 82 tuổi hàng ngày vẫn mưu sinh bằng xe tàu hũ, nuôi ba cháu nhỏ. Tìm đến căn nhà nhỏ của cụ Y nằm trên đường Lý Văn Lâm, Khóm 2, phường 1, thành phố Cà Mau, trước mắt chúng tôi là ngôi nhà cấp bốn đã xuống cấp, lụp xụp. Những bức tường bám rêu bắt đầu tróc hết lớp sơn bên ngoài vì thời gian. Sau mấy ngày mưa bão, nước tù đọng lại khắp nơi. Hiên nhà được che bằng tấm phông bạt nay đã rách nát vì cũ. Đây là căn nhà cụ Y thuê lại làm chỗ che mưa ,che nắng cho bốn bà cháu.  

Bước vào căn nhà, chúng tôi càng nặng lòng hơn, nhìn xung quanh chẳng có gì đáng giá ngoài chiếc xe đạp, cái tivi cũ bắt sóng bằng ăng-ten, bộ nồi cũ kỹ đều là đồ người được cho. Ở tuổi 82 đáng lẽ cụ phải được con cháu chăm sóc nhưng với cụ Y hết chăm con nay lại chăm cháu. Hàng ngày, cụ vẫn phải lo từng bữa ăn, từng khoản tiền đóng trọ, đóng học cho ba đứa cháu nhỏ.

Trong căn bếp chừng ba mét vuông, cụ Y vừa tiếp chuyện, vừa tất bật đãi vỏ đậu, xay đậu để chuẩn bị cho gánh hàng chiều dù ngoài trời vẫn đang mưa tầm tã. Hình ảnh người bà dáng nhỏ bé, mái tóc bạc trắng, khuôn mặt phúc hậu, làn da ngăm đen vì nắng gió một mình lầm lũi trong căn bếp mà xót xa. Sức yếu nhưng một mình cụ Y vẫn phải bê nồi nước to đặt lên bếp khiến tất cả chúng tôi vô cùng kinh ngạc. Cũng có thể cái nồi nước kia có thấm tháp gì so với những khó khăn mà bà đã, đang gánh vác bao nhiêu năm nay.

Cụ Y kể quê cụ ở Hà Tiên, sau đó lấy chồng rồi theo chồng về Cà Mau sinh sống. Chồng mất, cụ ở với các con nhưng người thì làm ăn xa, người không may đã qua đời. Cậu con trai út ở gần nhà cũng khó khăn nên chẳng phụ giúp được gì nhiều cho mẹ. Cụ mướn nhà ở với ba người cháu. Trong đó, có hai đứa cháu ngoại và cô cháu gái mồ côi do cậu con trai đã mất nhận nuôi. Nói về cô cháu gái đang học đại học xa nhà, cụ Y rơi nước mắt, nghẹn lời “Bà nuôi nó hồi nó chưa biết đi đó… Nuôi từ nhỏ đến lớn luôn”. Vì thương đứa nhỏ kém may mắn, cụ Y dù nghèo khó vẫn cố gắng nuôi dạy, cho cô bé được ăn học bằng bạn bằng bè. Cụ chỉ mong, đứa cháu chịu nhiều thiệt thòi ấy chăm chỉ học hành để mai này lỡ bà ra đi, cô vẫn có công việc để nuôi sống bản thân. Hai đứa cháu ngoại đứa lớn đang học lớp tám, đứa nhỏ nhất đang học lớp bốn lại mắc bệnh tim bẩm sinh. Có lẽ thương bà vất vả, nên cả ba đứa nhỏ đều chăm ngoan, nghe lời. Nói đến đây, khuôn mặt cụ Y rạng ngời hạnh phúc hẳn. Đây cũng là điều an ủi lớn nhất đối với cụ. Bản thân cụ Y đã già yếu, đôi mắt vốn đã kém vì từng phải mổ kéo màng mắt, nay càng kém hơn khi bệnh cũ tái phát, đã thế căn bệnh đau đầu mãn tính vẫn luôn hành hạ khiến bà khổ sở. Vất vả, khó khăn là thế nhưng nghĩ đến những đứa cháu côi cút, ngày ngày cụ vẫn tất tả làm lụng mưu sinh. Chẳng biết có phải do khói từ mấy thanh củi ẩm ướt hay không mà mắt chúng tôi, ai nấy đều cay xè.

Gánh tàu hũ 30 năm nức tiếng Cà Mau

Về thành phố Cà Mau, hỏi tàu hũ ở đâu ngon chắc ai cũng biết tới gánh tàu hũ của cụ Tô Thị Y. Một trong những gánh tàu hũ lâu đời nhất của vùng Đất Mũi. Đứng từ xa đã nghe mùi thơm thoang thoảng của lá dứa, mùi ngọt dịu của nước đường níu chân thực khách. Ai đã một lần ghé tới, ăn một ly vẫn chưa đã cơn thèm, rồi tới lúc đi xa lại nhớ da diết cái vị béo béo, nhớ nụ cười hiền của người bán. Gánh hàng cũng chính là kế sinh nhai của cụ Y gần 30 năm nay. Chẳng phải tự nhiên mà gánh tàu hũ ấy của cụ lại nức tiếng một vùng. Nhìn thì tưởng đơn giản nhưng để có được nồi tàu hũ ngon, ly tàu hũ thanh mát, sánh mịn đòi hỏi cả một quá trình kì công. Mọi công đoạn đều một tay cụ chuẩn bị, từ chọn đậu, xay đậu cho đến nấu. Công đoạn nào cũng được cụ Y tỉ mỉ, chăm chút. Ngoài ra, điều đặc biệt làm nên thương hiệu của nồi tàu hũ “huyền thoại” của cụ Y là phải nấu bằng bếp củi. Nấu sao cho lửa không quá lớn, đảo liên tục để không bị cháy đáy nồi. Với cụ Y nấu tàu hũ phải bằng cái tâm, “Cái này không nấu bếp ga được, phải nấu bằng bếp than. Hết củi thì chẻ, mấy ngày nay mưa miết nên củi không có khô” cụ bộc bạch. Không chỉ tự mình làm tàu hũ, cụ còn tự mình làm luôn nước đường hạt lựu, sữa đậu nành để bán chung. Ngày nào cũng như ngày nào, cụ dậy từ sáng sớm để chuẩn bị, tới đầu chiều khi mọi thứ xong xuôi mới bắt đầu đẩy xe đi bán. Kỳ công là vậy nhưng một ly tàu hũ, cụ chỉ bán với giá mười ngàn đồng, số tiền lời mỗi ngày chẳng đáng là bao. Những hôm vắng khách, cụ phải bán đến tận khuya cho hết mới trở về nhà nghỉ ngơi. Đối với cụ Y, giờ đây ước mơ lớn nhất là “sống mạnh giỏi” để lo cho mấy đứa cháu.

Đón xem tập 8 Tiếng Rao 4.0 sẽ được phát sóng vào lúc 20g25 Thứ 6 ngày 04/12 trên kênh HTV7. Tiếng Rao 4.0 – để tình yêu thương lan tỏa.

Gửi phản hồi
Họ và tên *:
Nội dung *:
loading...