Tintuc - Sau vòng thi đầu tiên mang tính chất nhẹ nhàng, vòng thi thứ 2 của Én Vàng học đường đã bắt đầu từ tối qua – đêm thi thứ 4 với những kịch tính và căng thẳng hơn.
Vòng thi này yêu cầu các thí sinh phải dẫn đôi về một tình huống được thể hiện dưới dạng kịch, do BTC đưa ra. Chủ đề của 3 trích đoạn kịch trong đêm thi tối qua rất gần gũi với lứa tuổi học sinh đó là: tình yêu học đường, bạo lực học đường và giao thông học đường được thể hiện bởi các diễn viên: Quán quân Gương mặt điện ảnh 2018 Song Ngư, Quán quân Cười xuyên Việt 2016Nguyễn Anh Tú, cùng các diễn viên Huỳnh Thanh Trực (giải 3 Gương mặt điện ảnh 2017), Huỳnh Quý, Nghinh Lộc, Tiết Duy Hòa, Ngọc Hoa, Tú Linh...
|
Bốn giám khảo đêm thi thứ 4: MC Kiều Ngân, MC Phương Uyên, MC Phụng Yến và MC Tô Huỳnh Phương Hiếu. |
|
Trong 6 thí sinh của tốp đầu, chỉ có 2 thí sinh được chọn và 4 thí sinh đã phải dừng chân trong sự tiếc nuối của khán giả. Giám khảo của đêm thi thứ 4 là MC Kiều Ngân, MC Phương Uyên, MC Phụng Yến và MC Tô Huỳnh Phương Hiếu.
Cặp thí sinh đầu tiên là Như Bình và Minh Đức dự thi với đề tài Tình yêu học đường. Trích đoạn kịch dành cho Như Bình và Minh Đức nói về một nhóm học sinh cấp 3 của ngôi trường TTK. Trong đó, anh chàng con nhà giàu học giỏi Anh Tú đem lòng thích cô bạn cùng lớp là Song Ngư nên tìm cách tỏ tình với Song Ngư. Là một cậu bạn khá nguyên tắc, Huỳnh Quý không đồng tình với tình yêu tuổi học trò nên ngăn cản, dẫn đến việc tranh cãi. Hậu quả là cả lớp bị cô giáo Nghinh Lộc phạt.
|
Như Bình và Minh Đức dự thi với đề tài Tình yêu học đường |
|
Lần đầu dẫn đôi với nhau, lại bắt trúng đề tài mà cả hai không đồng quan điểm nên Như Bình và Minh Đức tranh cãi khá nhiều trước đêm thi. Như Bình không ủng hộ tình yêu học đường, còn Minh Đức vốn từng yêu từ năm 16 tuổi nên em có cái nhìn cởi mở hơn về vấn đề này. Cuối cùng, cả hai đi tới quyết định trình bày đề tài này một cách hóm hỉnh và gián tiếp, không đề cập thẳng vào đề tài tình yêu.
Hai thông điệp chính mà Như Bình và Minh Đức muốn thể hiện đó là các em muốn được tâm sự với cha mẹ, được cha mẹ lắng nghe với thái độ cởi mở hơn về những mối quan hệ của con, được cha mẹ nhìn nhận cảm xúc nhiều hơn là kết quả học tập và điểm số. Cả hai kết luận: Tình yêu bắt đầu bằng con tim và lý trí, không có khái niệm đúng hay sai hay ranh giới rạch ròi. Tình yêu học đường cần sự sẻ chia và định hướng một cách hợp lý.
|
Như Bình và Minh Đức |
|
Theo giám khảo Kiều Ngân thì phần trình bày của Như Bình và Minh Đức chưa liên kết với trích đoạn kịch và né tránh vấn đề chính. Giám khảo Phương Uyên nhận xét phần dẫn của 2 thí sinh dễ thương nhưng Minh Đức chưa tách được phần dẫn và phần diễn, cách kết của cả 2 chưa đủ mạnh và ấn tượng. Đặc biệt, cô lưu ý nội dung chính trong trích đoạn kịch nói về tình cảm tuổi học trò chứ không hẳn là tình yêu.
|
Giám khảo Phương Hiếu |
|
Giám khảo Phương Hiếu cũng đồng tình với khái niệm này, bởi anh cho rằng những cảm xúc của các bạn học sinh trong giai đoạn này chính xác là tình cảm chứ chưa đủ để gọi là tình yêu. Giám khảo Phụng Yến thử thách khả năng hùng biện của 2 thí sinh bằng cách trình bày về những điều tuyệt vời và những hệ lụy mà tình yêu học đường mang lại. Minh Đức cho rằng điều mà em thích nhất ở tình yêu học đường đó là giúp cho cả hai tự hoàn thiện mình hơn.
Video phần thi của Minh Đức và Như Bình:
Cặp thí sinh thứ 2 là Minh Phát và Tân An trình bày chủ đề Bạo lực học đường. Trích đoạn kịch của cả hai nói về anh chàng học sinh cá biệt Thanh Trực có học lực yếu, thường xuyên quậy phá và dụ dỗ Anh Tú hút thuốc lá. Bị Huỳnh Quý phát hiện, Thanh Trực sẵn đang bực tức vì chuyện Huỳnh Quý khiến cả lớp bị phạt nên đã ra tay đánh Huỳnh Quý.
|
Minh Phát và Tân Antrình bày chủ đề Bạo lực học đường |
|
Minh Phát và Tân An chọn cách thể hiện đề tài dưới dạng một chương trình phóng sự mang tên “Camera học đường”. Cả hai đưa ra cảnh báo bạo lực học đường như quả bom nổ chậm, khiến tình bạn tan vỡ, gây ra những ám ảnh khủng khiếp và dai dẳng cho người bị ức hiếp, còn kẻ bạo lực tương lai có thể phải đứng sau song sắt. Cả hai cũng đưa ra giải pháp cho vấn đề này đó là: mỗi người phải tự kiểm soát hành động, hành vi của bản thân, gia đình phải quan tâm và can thiệp vào tâm sinh lý của con cái để hỗ trợ cần thiết, nhà trường cần bố trí camera ở những vị trí khuất, hay xảy ra bạo lực học đường và mở các lớp ngoại khóa về tâm sinh lý cho học sinh. Kết luận lại, cả hai kêu gọi mỗi người hãy tự làm camera cho chính mình.
|
Minh Phát và Tân An |
|
Nhận xét về phần thể hiện của 2 thí sinh, giám khảo Phụng Yến khá ấn tượng với bài thi, có sự kết nối với trích đoạn kịch, có ý hay đó là “Đừng im lặng” nhưng chưa được 2 thí sinh đưa vào phần giải pháp cho vấn đề bạo lực học đường. Mạnh mẽ quyết đoán hơn, giám khảo Phương Hiếu chọn cách “hãy lên tiếng” thay vì “đừng im lặng”. Tuy nhiên, anh cũng góp ý 2 thí sinh trình bày phần mở màn nên nhẹ nhàng hơn, không nên quá căng thẳng.
|
Giám khảo Phương Uyên |
|
Giám khảo Kiều Ngân cũng góp ý hai thí sinh không nên dùng từ “góc khuất” quá nặng nề. Giám khảo Phương Uyên làm khó 2 thí sinh bằng cách đưa ra tình huống giả định nếu bản thân là nhân vật Huỳnh Quý thì cả hai sẽ phải làm gì sau khi bị Thanh Trực đánh. Minh Phát cho rằng em sẽ chia sẻ câu chuyện với gia đình và nhà trường để tìm ra giải pháp. Tân An thì cho rằng trong trường hợp này, Quý nên nhẫn nhịn Trực một chút vì Trực đang nóng, tránh đổ thêm dầu vào lửa.
|
Giám khảo Kiều Ngân |
|
Chủ đề này một lần nữa khiến cho 3 giám khảo Phương Hiếu, Phương Uyên và Phụng Yến bất đồng quan điểm. Phụng Yến tán thành việc các nạn nhân tránh tạo thêm các yếu tố để bạo lực học đường xảy ra, còn Phương Hiếu thì cho rằng cách tốt nhất là nạn nhân nên nhanh chóng rời khỏi đám khủng hoảng. Phương Uyên không đồng tình cách giải quyết này vì nó không giải quyết được vấn đề dài lâu. Giám khảo Kiều Ngân cho rằng bạo lực học đường không thể giải quyết một mình, phải có đồng minh.
Video phần thi của Tân An và Minh Phát:
Cặp thí sinh thứ 3 là Phương Anh và Bảo Nhân trình bày chủ đề An toàn giao thông. Nội dung trích đoạn kịch thứ 3 nói về việc nhóm học sinh cấp 3 rủ nhau đi uống trà sữa sau giờ tan học. Do không đủ xe máy nên Anh Tú đành phải chở 3 và 2 trong số đó không đội nón bảo hiểm. Nhóm của Tú đã xảy ra va quẹt với một chiếc xe máy khác do ông chú Tiết Duy Hòa điều khiển. Nhưng không bật đèn xi nhan khi rẽ. Phần ấn tượng nhất trong bài hùng biện của Phương Anh và Bảo Nhân đó là cả hai đưa ra những con số cảnh báo về hậu quả của tai nạn giao thông, đặc biệt là với các bạn học sinh.
|
Phương Anh và Bảo Nhân trình bày chủ đề An toàn giao thông |
|
Chỉ vì tai nạn giao thông mà nhiều bạn đã bỏ lỡ kỳ thi tốt nghiệp, bỏ lỡ cơ hội được vào đại học, được trải nghiệm những chân trời mới, được thực hiện những hoài bão của mình. Bảo Nhân nhấn mạnh người tham gia giao thông cần phải có ý thức và trách nhiệm. Phương Anh cho rằng vấn đề an toàn giao thông cần được chú trọng ngay từ lứa tuổi mầm non, THCS và THPT, không đơn thuần là bài giảng lý thuyết mà cần đưa vào thực tế.
Giám khảo Phương Uyên dành nhiều lời khen cho Phương Anh vì sự tinh tế của em khi dẫn cùng người bạn có tính cách khá trầm và giọng nói địa phương như Bảo Nhân. Cô cũng khen Bảo Nhân chân phương, mộc mạc, nói bằng trái tim mình song cần phải tự tin hơn. Theo giám khảo Phương Hiếu thì để đảm bảo an toàn giao thông thì ngoài ý thức thì cần phải có kiến thức về an toàn giao thông.
|
Phương Anh và Bảo Nhân |
|
Trong phần trả lời câu hỏi của giám khảo Phụng Yến về cảm nhận của mình khi chứng kiến người khác vi phạm luật an toàn giao thông, Phương Anh gây được nhiều ấn tượng. Em cho biết bản thân mình là một người khá nguyên tắc và chưa bao giờ vi phạm lỗi giao thông nào. Không chỉ vậy, mỗi khi ra đường cùng mẹ, em cũng thường xuyên nói cho mẹ nghe về an toàn giao thông. Phương Anh chia sẻ bản thân em đã chủ động thực hiện an toàn giao thông với bản thân và những người thân trong gia đình mình. Sự chủ động cũng là thông điệp mà Phương Anh muốn nhắn gửi đến nhiều bạn trẻ đó là: chủ động tiếp cận, tìm hiểu kiến thức, đừng đổ thừa cho mọi vi phạm của mình.
|
Giám khảo Phụng Yến |
|
Phương Anh là thí sinh có số điểm cao nhất trong đêm thi thứ 4 là: 35,5 điểm, số điểm này đã giúp Phương Anh có được chiếc vé vào vòng trong với tổng điểm 2 đêm thi là 69,5 điểm. Chiếc vé còn lại dành cho thí sinh có tổng điểm 2 đêm thi cao nhất là Minh Đức 71 điểm (đêm 1 được 36,75 điểm, đêm 2 được 34,25 điểm). Dù có phần thi khá tốt nhưng 4 thí sinh còn lại đã phải chia tay chương trình Én Vàng học đường 2018.
Đêm thi thứ 5 phát sóng vào lúc 20h30 thứ Sáu tuần sau trên kênh HTV9 với chủ đề tình huống dành cho 6 thí sinh trong tốp thứ 2.
Video phần thi của Phương Anh và Bảo Nhân: