Tintuc - Bắt đầu tình yêu âm nhạc với vai trò là một nữ văn công mang tiếng hát “tiếp lửa” tinh thần cho dân quân, giờ đây NSND Thu Hiền đã trở thành tượng đài âm nhạc trong dòng nhạc trữ tình, cách mạng mang âm hưởng dân ca.
Có thể nói NSND Thu Hiền là một trong những cây đa, cây đề của dòng nhạc trữ tình, cách mạng mang âm hưởng dân ca Việt Nam. Tiếng hát của NSND Thu Hiền trải dài từ lúc đất nước còn nồng mùi thuốc súng cho đến khi tổ quốc có được hoà bình. Tại thời điểm mưa bom, bão đạn khốc liệt, cô gái nhỏ ở độ tuổi trăng tròn đã lựa chọn trở thành giọng ca tiếp lửa cho các chiến sĩ ở khắp các mặt trận. Lý tưởng sống hướng về quê hương, đất nước như ăn sâu vào máu, thôi thúc bản thân Thu Hiền dành trọn tuổi trẻ mang tiếng hát phục vụ tinh thần dân quân. Thanh xuân của Thu Hiền chính là những năm tháng đi theo bộ đội từ Bắc vào Trung để tiếp thêm sức mạnh ý chí và giờ đây nữ văn công ngày ấy đã trở thành Nghệ sĩ Nhân dân được nhiều người mến mộ.
Trong hơn 60 năm hoạt động nghệ thuật, NSND Thu Hiền đã để lại ấn tượng khó phai trong lòng người hâm mộ với những ca khúc như: Quảng Bình Quê Ta Ơi, Khúc Tâm Tình Người Hà Tĩnh, Câu Hò Bên Bờ Hiền Lương,…Với giọng ca ngọt ngào, da diết, tiếng hát của nữ nghệ sĩ gốc Bắc đã khắc sâu và tồn tại trong tâm trí của nhiều thế hệ.
NSND Thu Hiền hiếm hoi kể về kỷ niệm khi còn là nữ văn công tuyến lửa
Mới đây, người nghệ sĩ gạo cội đã có dịp ngồi ôn lại những câu chuyện thời chiến mà cô khắc ghi mãi trong lòng. NSND Thu Hiền kể: “Thu Hiền nhớ là Thu Hiền vào Quảng Trị năm 72 thì là Thu Hiền hát cái bài Trông Cây Lại Nhớ Đến Người và Người Ơi Người Ở Đừng Về giữa mảnh đất Đông Hà, lúc đấy là ra mắt Chính phủ Cách mạng lâm thời. Sau đấy thì là được lệnh sang bên sông Thạch Hãn (con sông lớn nhất tỉnh Quảng Trị) để hát qua bên kia Thành Cổ. Lúc đó mình nghĩ phía bên Thành Cổ loa người ta to lắm, loa của bên mình thì rất là bé mà sông thì rộng. Hồi đấy nhìn cái sông Thạch Hãn nó rộng lắm, mình bảo mình hát thế này thì làm sao qua được bờ bên kia được nhỉ. Thế nhưng mà mình hát cái loa bóp thì mình hát được một câu mình lại quên bóp, mà bóp thì lại quên hát. Rồi đồng chí chính trị viên lại cầm một cây gậy rất dài vụt vụt vào lưng mình ấy, “Hát”, thì mình hát được một câu lại tịt, cũng lại bóp, hát, bóp, hát…Mình nhớ là khi hết được bài hát thì cái lưng nó mới là quặn. Mình tức quá mình lại bảo “Thôi em không hát nữa đâu!”, “Ôi thôi chết rồi đồng chí nói loa rồi”, “Loa cũng không sang được bên kia được”, “Thế đồng chí hát tiếp, hát tiếp”, “Ôi giời ôi em tiếp thì em lại không bóp được”. Thế nhưng đến cuối cùng, Thu Hiền vẫn hoàn thành nhiệm vụ “truyền lửa tinh thần” từ bên này bờ sang bên kia bờ cho các đồng đội.
Sau này trong một chuyến lưu diễn ở nước ngoài, NSND Thu Hiền có cơ hội gặp lại đồng đội xưa và lần hội ngộ đã mang lại cho nữ nghệ sĩ một cảm xúc vui mừng khó tả. NSND Thu Hiền chia sẻ: “Thu Hiền được sang biểu diễn ở Ukraine ấy thì tự nhiên được công kênh lên, được ra giữa chợ công kênh lên. Mình sợ quá mình bảo ôi thôi chết rồi em có nợ nần giữa chợ giữa chiếc như thế này đâu mà lại bị dâng lên như thế này. Không phải đâu, đồng chí không nhớ tôi, tôi là cái người cầm loa cho đồng chí bóp. Ôi giồi ôi lúc đấy nước mắt nó trào ra. Thật làm sao mà nghĩ, thế làm sao mà đồng chí sống được đến bây giờ bảo lúc giải phóng thì chúng em được đi sang lao động bên này. Em đưa buôn bán ở chợ Ukraine thì em gom hết quần áo em gửi chị về chị gặp ai được người lính Quảng Trị năm xưa chị tặng cho em. Chị bảo cái thằng mà vác loa đấy, nó vẫn còn sống. Đấy là một trong những kỷ niệm mà mình nhớ. Nhưng mình nghĩ những cống hiến của mình, những kỷ niệm của mình cũng như tất cả những người lính. Bây giờ chiến tranh nó qua rồi và cái còn lại là cái gì, là mình vẫn còn sức khoẻ, mình vẫn còn hát lại được bài hát đấy”
NSND Thu Hiền: “Dân ca là nguồn cội, không bao giờ cũ”
Đúng như lời nữ nghệ sĩ nói, giờ đây, ở tuổi 69, NSND Thu Hiền may mắn vẫn giữ vững phong độ trong giọng hát. Sự sắc nét và chất tình trong giọng hát của NSND Thu Hiền không lẫn đi đâu được. Đứng trên sân khấu của Dấu Ấn Huyền, giọng ca gốc Bắc đã đưa người nghe chìm đắm vào không gian âm nhạc của những ký ức với những ca khúc bất hủ như: Quảng Bình Quê Ta Ơi, Câu Hò Bên Bờ Hiền Lương, Lời Bác Dặn Trước Lúc Đi Xa, Khúc Tâm Tình Người Hà Tĩnh, Tình Ta Biển Bạc Đồng Xanh và Dáng Đứng Bến Tre. Vẫn với giọng ca ngọt ngào, da diết đầy tình cảm ngày nào, có chăng thời gian trôi qua chỉ khiến giọng hát của NSND Thu Hiền trở nên đậm đà hơn.
Khi hát những ca khúc cũ, ký ức xưa cũng ùa về, NSND Thu Hiền hài hước bật mí câu chuyện trước khi cô được nhạc sĩ Nguyễn Văn Tý đồng ý cho hát bài Khúc Tâm Tình Người Hà Tĩnh: “Bác Tý viết bài hát này vào năm 1974 và bài hát này đầu tiên được nghệ sĩ – ca sĩ Hương Loan thể hiện. Nhưng khi Thu Hiền đi từ trong chiến trường ra thì mọi người có giới thiệu đây là một cô bé rất nhiều thành tích. Thế thì hát thử cho bác nghe, bác bảo thì cũng được đấy nhưng mà cái bài hát này là thể hiện rất khó, tôi phải chỉ cô từng câu và nếu được tôi mới cho cô hát bài hát này thì Thu Hiền mới “Chứ đi mô rồi cũng nhớ về Hà Tĩnh”, bác bảo thôi được. Thế thì cái bài hát đầu tiên thì bác phải thử thì bác bảo được mà được không phải chỉ là giọng mà được là phải có cái tình của người Hà Tĩnh Thế nên Thu Hiền cũng may mắn là mình lấy được cảm xúc và thể hiện bài hát thành công”.
Ở tuổi thất thập, ngoài niềm vui được hát NSND Thu Hiền còn có thêm niềm vui khác khi được trao “nhiệm vụ” truyền đạt lại tình yêu, tinh hoa cho lớp trẻ, “Thu Hiền cũng muốn mang tất cả đam mê và kinh nghiệm của mình. Cũng may mắn thầy cô nhạc viện gửi qua các em học sinh từ nhạc viên chuyển qua Hiền trong những ngày tháng để các em đi thi trong các cuộc thi Sao Mai và cũng may là cái em cũng đạt được quán quân và Hiền rất là tự hào.”. Điều mà NSND Thu Hiền truyền lại cho thế hệ sau này không phải là những kỹ thuật thanh nhạc đơn thuần mà là hơi thở, là cái tình mà người nghệ sĩ nên đặt vào bài hát để truyền tải người nghe cảm nhận. Đó chính là lý tưởng NSND Thu Hiền muốn hướng đến. Đồng thời, cô cũng thường xuyêntrau dồi kiến thức về âm nhạc, lắng nghe học tập thế hệ trẻ để không cũ.Vậy mới thấy được tâm tình mà người nghệ sĩ dành cho từng ca khúc là lớn lao biết bao nhiêu.
Trước khi khép lại sân khấu của “huyền thoại tuyến lửa” – NSND Thu Hiền còn gửi gắm đến với lớp trẻ rằng: “Dân ca là nguồn cội. Dù chúng ta có đến 4.0 hay 5.0, bao nhiêu chấm không thì chúng ta vẫn quay về với tiếng mẹ ru. Bao giờ ai sinh ra và lớn lên cũng đều như thế thì mình nghĩ là bạn nào có khả năng thì mình vẫn cứ yêu. Mình xuất phát từ cái yêu thì mọi thứ sẽ yêu mình lạ. Dân ca là nguồn cội, không bao giờ cũ”. Có lẽ, chính nhờ vào tình yêu đó mà nữ văn công tuyến lửa ngày nào hiện đã trở thành một huyền thoại đáng nhớ.
Đón xem cuối Dấu Ấn Huyền Thoại sẽ được phát sóng vào lúc 20g35 Thứ Tư ngày 11/08/2021 trên kênh HTV7.