Tintuc - Đạo diễn Lê Hoàng cho biết, anh phản đối các bộ phim có hình ảnh bạo lực hay giang hồ, xã hội đen. Chính những hình ảnh này khiến cho giới trẻ nghĩ rằng việc đấm đá là bình thường, và điều đó dẫn đến gia tăng các vụ bạo hành học đường.
Đạo diễn Lê Hoàng cho biết, ở thời của anh, nạn bạo lực học đường ít xảy ra, còn hiện nay, bạo lực học đường không chỉ gia tăng về số lượng mà ngay cả mức độ cũng khủng khiếp hơn ngày xưa rất nhiều. Đồng tình với điều này, Tiến sĩ tâm lý Tô Nhi A cho biết, thời của cô, học sinh khá là hồn nhiên, tất nhiên cũng có những vụ đánh nhau, tuy nhiên, tất cả đều có điểm dừng chứ không đến mức độ mạnh và đáng báo động như hiện nay.
Nói về nguyên nhân của các vụ bạo lực học đường hiện nay, theo Tô Nhi A là do 3 nguyên nhân: Gia đình, nhà trường và xã hội. Một đứa trẻ là nạn nhân của bạo lực gia đình, chứng kiến cảnh bố thường xuyên đánh mẹ, hoặc thậm chí bị chính bố đánh thì nó sẽ bị tổn thương và sinh ấm ức. Từ đó, khi lớn lên, đi học, tiếp xúc với bạn bè, nó sẽ dễ đánh bạn hoặc có suy nghĩ ở nhà không đánh được ba thì sẽ đánh bạn. Cũng có khi, chứng kiến quá nhiều những việc bạo hành trong gia đình, đứa trẻ sẽ coi việc đánh nhau là bình thường, và vì thế, khi có xung đột xảy ra, đứa trẻ đó sẽ dùng cách giải quyết là đánh nhau.
Clip 3 nguyên nhân khiến một đứa trẻ ưa đánh nhau:
Nguyên nhân thứ hai, theo Tô Nhi A, nếu trong nhà trường, không có đủ các chế tài, kỷ luật nghiêm minh thì trẻ con sẽ thoải mái đánh bạn bởi không có hình phạt nào đủ sức nghiêm minh khiến chúng sợ. Ở những môi trường như vậy, không hiếm các trường hợp như chúng ta thường thấy: 1 đám đông đánh 1 đứa trẻ, 1 đứa trẻ đánh 1 đứa khác và thậm chí đám trẻ này đánh đám trẻ khác.
Một nguyên nhân khác, theo đạo diễn Lê Hoàng, đó là ảnh hưởng của các hành vi thường thấy trong xã hội như nạn đâm chém nhau. Đặc biệt là việc trong nhiều bộ phim điện ảnh, hoặc phim truyền hình có các hành động đánh đấm. Khi xem nhiều những bộ phim này, trẻ em dễ bị ảnh hưởng và cho rằng, đánh nhau là hành động tất yếu khi xảy ra xung đột.
Đồng tình với quan điểm này của Lê Hoàng, Tô Nhi A còn lên án các clip trên mạng và các web drama hiện nay, mỗi hành động đánh nhau thường được coi như một dạng chọc cười, hoặc được xử lý hình ảnh với âm thanh và kĩ xảo rất đẹp, thú vị, gây cười khiến trẻ nhỏ thích thú và bắt chước theo. Điều đó dẫn đến một hệ lụy vô cùng nguy hiểm, nếu không kiểm soát sẽ dẫn đến những nguy hiểm trong nhận thức của giới trẻ hàng ngày.
Clip Phim ảnh, web drama tràn lan khiến bạo lực học đường ngày càng nhiều hơn:
Khi được đạo diễn Lê Hoàng đặt câu hỏi, trong 3 nguyên nhân: gia đình, nhà trường và xã hội thì đâu là nguyên nhân chủ yếu của nạn bạo lực học đường ngày nay, Tô Nhi A khẳng định, gia đình chính là “tội nặng nhất”. Bởi theo tiến sĩ tâm lý, một đứa trẻ bị ảnh hưởng bởi gia đình vô cùng nhiều, bởi đứa trẻ sẽ thừa hưởng gen, truyền thống của gia đình. Khi được gia đình yêu thương chăm sóc, trẻ con sẽ không có xu hướng bạo lực. Hoặc là nếu có ra ngoài xã hội mà bị bắt nạt, đi học bị ăn hiếp nhưng có gia đình ở bên, quan tâm, chăm sóc và chữa lành vết thương thì đứa trẻ đó cũng sẽ vượt qua và trưởng thành. Đó cũng là lý do mà vì sao, trong các bộ phim, khi lý giải hành động bạo lực của một kẻ sát nhân, bao giờ các đạo diễn cũng xây dựng hình ảnh đứa trẻ đã chứng kiến những hành động bạo lực trong gia đình.
Clip Bạo lực học đường ngày càng tinh vi, không phải ẩu đả mới là bạo lực:
Tuy nhiên, theo đạo diễn Lê Hoàng, hiện nay, việc bạo lực học đường diễn ra “tinh vi” hơn, và nó không chỉ dừng lại ở việc đánh đấm lẫn nhau của trẻ nhỏ. Những đứa trẻ cũng không cần phải chứng kiến đánh mẹ thì lớn lên mới học cách đánh bạn. Đôi khi, chỉ cần thấy bố luôn áp đảo mẹ, mẹ luôn phải phục tùng, không dám cãi lại bố, lâu dần nó sẽ coi đó là chuyện bình thường. Và khi đi học, những đứa trẻ đó dễ dẫn đến xu hướng trêu chọc bạn: “Chê bạn béo, lùn, răng hô cũng là một dạng bạo lực học đường. Có những đứa trẻ bị bạn cô lập, không dám đến trường vì sợ bị bạn cười chê” – Đạo diễn Lê Hoàng cho biết.
Cũng có trường hợp, nhiều ông bố bà mẹ lại khuyến khích con đánh nhau với bạn để không bị bắt nạt, hoặc cho rằng con mình như vậy là dũng cảm, mạnh mẽ. Điều này vô tình sẽ khiến trẻ con ngày càng hiếu chiến, bởi đó là việc lấy một hành động sai đáp lại một hành động sai: “Khi tấn công người khác, cuộc đời bạn sẽ rắc rối hơn chứ không phải là tốt hơn”.
Cũng theo tiến sĩ tâm lý Tô Nhi A, hành động đánh nhau chỉ là kết quả của một chuỗi quá trình hành vi của đứa trẻ. Nếu như khi đứa trẻ bắt đầu đánh nhau trong lớp mà bị can ngăn ngay, hoặc bị phạt, bị mời bố mẹ lên gặp thì sau đó nó sẽ không dám thế nữa. Tuy nhiên, thường những đứa trẻ hay đánh nhau thì để mời bố mẹ đứa trẻ đó lên gặp cũng khó. Do đó, giáo viên chủ nhiệm những lớp mà có nhiều đứa trẻ hay đánh nhau rất khó khăn trong việc giáo dục, liên kết với gia đình và thay đổi những đứa trẻ này.
Để chấm dứt việc bạo lực học đường, theo Tô Nhi A, trừng phạt chỉ là một trong những phương pháp tại thời điểm đó. Còn về lâu dài, người đứng ra xử lý các hành vi này phải có sự am hiểu tâm sinh lý trẻ nhỏ, có sự thấu cảm và một trái tim nóng thì mới có thể khuyên bảo, giáo dục, làm cho những đứa trẻ này chấm dứt những hành vi không chuẩn mực.
Chuyện Cuối Tuần chủ đề “Vấn nạn bạo lực học đường” với sự đối thoại thẳng thắn giữa đạo diễn Lê Hoàng và Tiến sĩ tâm lý Tô Nhi A sẽ được phát sóng vào 21:35 thứ bảy ngày 21/3 trên kênh VTV9.