Tapchisaoviet - MC Hà Trinh lại bước vào một cuộc chơi của những người dẫn chương trình chuyên nghiệp với tâm thế: “đi mài dũa những mảnh gai để mạnh mẽ hơn”. Sau gần 10 năm “cầm mic”.
- Việc các MC giỏi “đối đầu” với nhau trong một cuộc thi sẽ ít nhiều tạo nên sự so sánh vị trí trong suy nghĩ của các khách hàng, đối tác. Vậy Hà Trinh có lường trước sự may rủi trong cuộc chơi này?
Trinh xem Én vàng không chỉ là cuộc thi “sát hạch” năng lực, một đấu trường kỹ năng mà còn là một lớp học cao cấp miễn phí để chính những người MC học hỏi lẫn nhau, hoàn thiện những điểm yếu riêng. Không thể nói MC chuyên nghiệp đi thi một cuộc thi dẫn chương trình là “rủi ro” vì chúng tôi đang muốn bước ra khỏi vòng tròn an toàn của chính mình. Nếu cứ lo sợ mất hình ảnh thì chính mình tự khoanh vùng giới hạn với khách hàng, hoặc tự đặt mình vào những mối quan hệ quen thuộc và khó thể vươn xa với nhiều đối tượng mới.
- Cảm giác của một thí sinh đi thi có khác với một MC “cầm trịch” sân khấu hay không?
Hoàn toàn giống nhau! Nếu bạn tận tâm cho một công việc nào đó, bạn sẽ luôn có cảm giác mỗi dự án mới là một lần sống với những lo lắng cũng rất mới để hoàn thiện công việc! Mình rất thích cảm giác run rẩy sợ thất bại này! Nếu không có nó, chúng ta luôn tưởng mình “ngon lành”, dẫn đến những chủ quan trong việc.
- Mỗi người dẫn chương trình thường đã có “địa hạt” riêng cũng như thế mạnh nổi trội. Việc tham gia cuộc thi đòi hỏi sự uốn nắn lại, định hướng lại từ những giám khảo liệu có khiến bạn lo lắng hay không?
Ngay từ đầu tôi chẳng phải đã xem cuộc thi như là một hội thảo chuyên ngành kéo dài nhiều tuần để trau dồi kỹ năng hay sao?
Bạn bỏ thời gian đến, họ cho bạn kiến thức. Bạn hỏi, họ trả lời. Chúng tôi đã có cả một bầu trời ý tưởng cọ xát nhau trong phần tranh luận nảy lửa, chia sẻ khát khao để làm giàu hơn vốn sống trong nghề dẫn, mà nếu tự học hỏi có lẽ bạn phải mất một thời gian rất dài!
Chính vì thế, giám khảo càng “ác”, góp ý càng “tàn nhẫn”, tôi càng sung sướng! Tôi tôn trọng các bậc tiền bối dang giúp đỡ mình trên ghế nóng - những người thú nhận đã vấp ngã rất nhiều và không muốn thấy chúng tôi phí thời gian cho những sai sót đó một lần nữa.
- Tham gia một show giải trí đồng nghĩa chính nhà sản xuất sẽ tạo những câu chuyện để tăng tính hấp dẫn cho chương trình. Hà Trinh có thể trở thành “nhân vật” đấy và bạn đã có sự chuẩn bị gì
Yếu tố giải trí ngày nay dễ bị hiểu lầm với chiêu trò, tạp kỹ. Tôi vừa đồng tình vừa không hoàn toàn đồng ý. Đồng tình ở chỗ MC ngày nay muốn thể hiện đúng vai trò “chủ nhà” thì bản thân phải thật vững chắc tại vị trí của mình, xa hơn họ phải tự trang bị kiến thức về nhiều lĩnh vực khách trên sân khấu: nhịp, phách, ca hát, ngâm thơ, diễn xuất... Nhưng không vì yếu tố giải trí mà tự biến mạnh thành những “chú rối hề” trên sân khấu chỉ để chiều theo khán giả.
Theo tôi yếu tố giải trí là bạn chuyển tải thành công cảm xúc của chương trình đến cho khán giả, đó có thể là hạnh phúc vui vẻ cũng có thể là rung cảm buồn thương… Khi tiếng cười đi kèm với thông điệp, sẽ là một sân chơi giải trí bổ ích thật sự!
- Bạn cảm giác như thế nào khi đã là một MC hành nghề lâu năm nay lại bị “chất vấn” về chuyên môn ngay trên sóng truyền hình?
Hành nghề lâu năm không có nghĩa là chuyên nghiệp. Hiện tại, chúng ta chưa có một thang điểm quy chuẩn nào cho nghề MC. Muốn được chuyên nghiệp, chúng tôi không cách nào khác phải làm việc thật nhiều để tích góp kinh nghiệm. Hoặc phải tinh tế tiếp thu và thay đổi theo mong muốn của thị trường và khách hàng.
BGK đang đại diện tiếng nói từ hàng ghế khán giả, những khách hàng trực tiếp của tôi. Qua những chất vấn có phần khó chịu đó, tôi sẽ vỡ ra nhiều điều, hoặc là tôi đúng, hoặc là họ đúng. Tốt hơn, chúng tôi đều biết mình sai chỗ nào! Tại sao tôi lại từ chối cơ hội được người khác mài dũa những mảnh gai chưa đẹp để tôi được mạnh hơn?
- Trong dàn BGK, bạn sợ “đụng độ” nhất với giám khảo nào? Vì sao?
Chị Trác Thuý Miêu là người nói thẳng nói thật. Đôi mắt mèo của tiền bối sáng và sắc đủ để nhìn thấu những yếu điểm nhỏ nhất mặc dù bạn cố gắng che giấu. Tôi sợ mọi người biết tôi dở nhiều chỗ. Tôi càng giấu thì chị càng thấy… Tôi vừa sợ bị tổn thương khi bị chị từ chối, lại càng đau lòng hơn nếu chị bỏ lơ không nói với tôi một lời nào.
- Bạn nghĩ gì khi chính giám khảo Trác Thuý Miêu đang đặt bài toán khó cho các MC chuyên nghiệp như bạn trong việc phải trau chuốt và nâng cao giá trị tiếng Việt ngay trong chính cách dẫn?
Đó là một yêu cầu hoàn toàn thích đáng. Trong khi một MC làm nghề lâu năm như chúng tôi được cho là có duyên ăn nói nhưng khi muốn diễn đạt điều gì sâu sắc vẫn lung túng vì vốn từ vựng và ngữ pháp của mình. Sự phong phú của tiếng Việt không dừng lại ở những câu đơn giản, những vốn từ giải trí nghèo nàn, tiếng lóng, từ vay mượn. Tiếng Việt đẹp như những nốt nhạc, chúng tôi khao khát được học vốn từ của nhau, để mỗi cuộc hội thoại mỗi ngày cũng sang đẹp êm tai như một tổng phổ hài hoà…
- Hà Trinh nghĩ ưu và nhược điểm lớn nhất của bản thân là gì khi tham gia sân chơi này?
Tôi nghĩ ưu điểm của mình là kinh nghiệm 10 năm trong nghề với bao thất bại là bấy nhiêu bài học. Khổ một nỗi, tôi mỗi thứ biết một ít nhưng không có điều gì giỏi vượt trội.
- Điều Hà Trinh mong muốn thông qua sân chơi Én Vàng năm nay?
Chúng tôi khát khao được mang bức tranh chân thực nhất của nghề dẫn chương trình đến mọi người. Để thấy nó không nhạt nhoà và dễ dàng như các bản photocopy na ná nhau mà chỉ cần xinh và nhớ bài tốt thì có thể nói gì cũng được. Nghề dẫn cần quá nhiều thứ mà chính chúng tôi vẫn còn phải đang trau dồi mỗi ngày: cái Tâm, Tĩnh, Tình và Tài. Hy vọng Én Vàng 2016 là một sự thay đổi tích cực để định hướng cho các bạn có cùng đam mê hiểu thêm về nghề dẫn.
- Được biết, ngoài việc tham gia cuộc thi Én Vàng, Hà Trinh còn chuẩn bị giới thiệu quyển sách đầu tay của mình. Bạn có thể “bật mí” đôi chút về điều này?
Trong tháng 11, Hà Trinh sẽ gửi đến độc giả tập tuỳ bút và tản văn đầu tay mang tên “Tự tình lúc 0 giờ”, tập hợp những cung bậc cảm xúc trong chuyến hành trình YÊU chia thành 5 giai đoạn mà bất kỳ ai cũng từng nếm trải. Bắt đầu là “Phải lòng một ai đó”, trải nghiệm những “Vết thương lòng” đầu tiên bỏng rát, rồi trăn trở “Hình như ai cũng cô đơn”, tự trả lời mình “Yêu một người là đủ” khi tìm được một nửa thực sự, để rồi nhận ra “Cuộc sống không chỉ có tình yêu…”
Khán giả sẽ sớm thấy được thành quả suốt quãng thời gian qua mà Trinh cố gắng, ấp ủ và mang chuyện đời rất thật vào chính tản văn của mình.
- Cảm ơn Hà Trinh rất nhiều về cuộc trò chuyện!