12:29 | 29/06/2016

Múa đương đại NÓN trình diễn tại Hà Nội và Sài Gòn

Tapchisaoviet - vở múa đương đại kết hợp âm nhạc Việt Nam được trình diễn trực tiếp bằng nhạc cụ dân tộc vui mừng được lần đầu đến với khán giả Hà Nội lúc 20 giờ ngày 21.7.2016 tại L’espace (24 Tràng Tiền) và tái ngộ khán giả Tp. Hồ Chí Minh qua hai buổi diễn vào ngày 26-27.7 lúc 20 giờ tại Idecaf (28 Lê Thánh Tôn, Q.1).

Trong lần ra mắt vào mùa hè năm 2015, Nón đã hân hạnh chào đón gần 400 khán giả đến xem buổi trình diễn đầu tiên trên toàn thế giới tại Idecaf với sự giúp đỡ của Viện văn hoá Pháp Tp. HCM. Tháng 12. 2015, Nón được trình diễn cho 300 khán giả là tuỳ viên văn hoá, đại sứ... trong sự kiện khép lại chương trình “Vì sự phát triển của châu Âu” tại Luxembourg. Tới đây, Nón vui mừng được lần đầu đến với khán giả Hà Nội lúc 20 giờ ngày 21.7.2016 tại L’espace (24 Tràng Tiền) và tái ngộ khán giả Tp. Hồ Chí Minh qua hai buổi diễn vào ngày 26-27.7 lúc 20 giờ tại Idecaf (28 Lê Thánh Tôn, Q.1).

NÓN ra đời thế nào?

Nón được xây dựng từ ý niệm Trời tròn Đất vuông vốn là biểu tượng của “bánh dầy”, “bánh chưng” thể hiện sự kết nối hoàn hảo của âm - dương, tín ngưỡng của người Việt. Hơn thế, hai loại bánh dung dị còn chứa nét tinh tế của văn hoá xưa: học ăn, học nói, học gói, học mở, chính điều đó đã trở thành sợi dây kết nối hai nghệ sĩ với nguồn cội, giúp họ tìm thấy câu trả lời cho câu hỏi: ta là ai giữa quê người? Thông qua cách sắp đặt những yếu tố quen thuộc, bằng ngôn ngữ hình thể và âm nhạc, hai nghệ sĩ chia sẻ trải nghiệm của những người con đất Việt trong những năm tháng xa nhà đằng đẵng. Để rồi trong hành trình khám phá thế giới muôn màu đó, họ cảm thấy càng yêu thêm cái nôi sinh ra mình và tự hào giới thiệu những điểm đặc biệt nhất của dân tộc với thế giới.

Bên cạnh đó, Nón còn đề cập đến đời sống tinh thần của con người trong thời đại công nghệ làm chủ mọi thứ. Tưởng rằng nhờ những công cụ hiện đại, bạn có thể kết nối với cả thế giới nhưng hoá ra, chính sự tiện lợi ấy lại khiến ai cũng có một thế giới riêng, dường như lãng quên, thậm chí đánh mất sự gắn kết, sẻ chia trực tiếp giữa người với người. Phải chăng vì thế mà con người càng trở nên cô đơn, dễ mất phương hướng vì cuộc sống thiếu đi những ánh nhìn ân cần, lời nói được trao đổi một cách chân thành? Hãy trở về với những gì giản dị, chân phương nhất, chia sẻ, đồng cảm, thấu hiểu không chỉ giữa con người với nhau mà con người còn cần lắng nghe thiên nhiên – Trời và Đất để cảm nhận được tình yêu và hạnh phúc thật sự.

Nón, ngoài tính hấp dẫn về sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa ngôn ngữ cơ thể và âm nhạc, còn là sự hoà quyện giữa những nét văn hoá truyền thống (sự tích bánh Chưng bánh Dày, nón lá, áo dài, nhạc cụ dân tộc) và các vấn đề trong nhịp sống đương đại (nỗi cô đơn của con người khi công nghệ tiên tiến chi phối toàn bộ đời sống, hành trình tìm kiếm bản sắc cá nhân, gìn giữ văn hoá nguồn cội – hoà nhập với thế giới). Do đó, Nón mang phong cách, cái nhìn của hai nghệ sĩ: Vũ Ngọc Khải (biên đạo - diễn viên múa) và Ngô Hồng Quang (nhạc sĩ) về văn hóa Việt, tình yêu, cuộc sống...

NÓN 2016 có gì?

Trong lần trình diễn này, Nón vẫn giữ sự kết hợp nhuần nhuyễn giữa chuyển động cơ thể thú vị của múa đương đại và dòng chảy giai điệu đặc biệt được biểu diễn hoàn toàn mộc gồm: Chiêng Dây (hiện chỉ có 2 cây đàn tại Việt Nam), Đàn Tính, Đàn môi 3 lá, Đàn môi 1 lá, Đàn bầu và hát.

Ngoài ra, lần trước nhạc sĩ Ngô Hồng Quang sáng tạo một loại “ngôn ngữ” riêng cho các tác phẩm trong Nón mà qua đó, khán giả tuy không thể hiểu được lời nhưng có thể cảm nhận âm thanh núi rừng và không gian mà anh truyền tải. Sau một năm, Quang sẽ khoản đãi khán giả của Nón một bài hát hoàn chỉnh. Ở đó, ca từ và giai điệu của Về đồi non cho phép trí tưởng tượng của khán giả được thoả sức bay bổng, phiêu du đến khoảng không gian xa, rộng, tự do của núi rừng.

Bằng phương thức 70 – 30 (70% sắp đặt – 30 % ngẫu hứng) của biên đạo, diễn viên múa, Vũ Ngọc Khải đã mạnh dạn ứng dụng yếu tố mở của múa đương đại vào quá trình biểu diễn của Nón. Nhờ đó, với mỗi đêm diễn, nghệ sĩ tiếp tục sáng tạo, làm mới tác phẩm của mình, và khán giả, luôn khám phá được nét khác biệt để hiểu thêm về câu chuyện mà nghệ sĩ muốn kể, thông điệp họ muốn chia sẻ. Sau hơn 2 năm sáng tạo và 1 năm trải qua nhiều lần làm việc cùng nhau, giữa Ngọc Khải và Hồng Quang đã gắn bó với nhau hơn, hiểu rõ về lĩnh vực của nhau hơn. Vì vậy, trong lần trình diễn này, việc sắp đặt sẵn chỉ còn 50%, yếu tố ngẫu hứng đòi hỏi sự kết hợp vô cùng ăn ý tăng lên 50%. Đây là điểm nhấn hết sức đặc biệt mà Nón đem lại cho khán giả sau một năm Nón được bồi đắp thêm nhiều “phù sa” từ những lần trình diễn tổng thể hay trích đoạn, workshop.

Thêm nữa, với mong muốn đưa múa đến gần hơn với công chúng cũng như trao đổi kinh nghiệm cùng đồng nghiệp, Nón sẽ tổ chức 2 đợt workshop cho những ai yêu nghệ thuật múa – âm nhạc. Cụ thể, workshop dự kiến diễn ra vào ngày 9-10.7 tại Hà Nội, ngày 22 và 23.7 tại Tp. HCM. Mỗi buổi workshop kéo dài trong 2 giờ đồng hồ do hai nghệ sĩ Vũ Ngọc Khải và Ngô Hồng Quang phụ trách. Đặc biệt, các học viên sẽ có 45 phút học chất liệu của vở Nón trên nền nhạc được chơi trực tiếp bằng nhiều loại nhạc cụ khác nhau. Chúng tôi sẽ cập nhật thời gian, địa điểm chi tiết trong thời gian tới.

Thông tin thêm về các nghệ sĩ:

* Nhạc sĩ Ngô Hồng Quang, hiện theo học chương trình cao học chuyên ngành soạn nhạc tại Nhạc viện Hoàng Gia, La Hay, Hà Lan (Deen Hag Royal Conservatory of music), có khả năng - chơi các nhạc cụ như đàn nhị, đàn bầu, trống, đàn K’ny (nhạc cụ dây của nhiều dân tộc sống ở vùng Bắc Tây Nguyên). Tài năng của Quang được thể hiện trong các chương trình được tổ chức tại Việt Nam và nhiều quốc gia khác như Hà Lan, Ý, Ba Lan, Bỉ, Pháp, Đức, Iceland, Hàn Quốc, Singapore... Anh đã giành được nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế, cũng đã phát hành các album như Quang, Song Hành – album từng được đề cử giải thưởng Cống hiến của Báo Thể thao & Văn hoá năm 2014. Quang có nhiều kinh nghiệm trình diễn trực tiếp với xiếc, ca nhạc nhưng múa là lần đầu tiên anh trải nghiệm cùng với Ngọc Khải khi thực hiện NÓN.

* Vũ Ngọc Khải, là diễn viên của nhà hát Staatstheater Braunschweig, Đức, từ tháng 8.2016, anh sẽ làm việc tại Phoenix Dance Theater, Leeds city, Vương quốc Anh. Anh được biết đến với vai trò một nghệ sĩ múa đương đại năng động, tài năng qua các chương trình mà anh đồng thời biên đạo, đạo diễn diễn tập như Chuyện Kể Những Chiếc Giày, Mộc, Tích Tắc, Sương Sớm, Tơ… Anh làm việc nhiều năm ở Thuỵ Sỹ, Hà Lan, Đức, tham gia nhiều chương trình lớn tại châu Âu, Mỹ, châu Á… và chinh phục nhiều biên đạo nổi tiếng, khó tính như Ismael Ivo (Mishima), Arco Renz (Ha Noi Startdust)… Khải yêu văn hoá, nghệ thuật lẫn truyền thống, con người Việt Nam và anh cũng nhiều lần được thăng hoa cùng vũ điệu trên nền nhạc dân tộc.

Thông tin về vé:

  • Vé được phát hành tại Ticketbox.vn. Cụ thể,

+ Trang sự kiện dành cho khán giả HN: https://ticketbox.vn/event/hn-non-contemporary-dance-61681/35747

Giá vé tại Hà Nội ngày 21.7 (L’espace): 250.000 - 300.000 VND/ vé.

+ Trang sự kiện dành cho khán giả Tp. HCM: https://ticketbox.vn/event/hn-non-contemporary-dance-61683/35748

Giá vé tại Tp. HCM ngày 26-27.7 (Idecaf): 400.000 VND - 500.000 VND/ vé.

Nhiếp ảnh: Sơn Trần - Đại Ngô 
Gửi phản hồi
Họ và tên *:
Nội dung *:
loading...